Trưa 13/10, Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn đóng tại xã Phong Xuân (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) cho biết, đoàn tiếp cận đi bộ lên Thủy điện Rào Trăng 3 tối 12/10 bị mất liên lạc với một số thành viên, trong đó có thiếu tướng Nguyễn Văn Man, phó tư lệnh Quân khu 4.
- Xác minh tin sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, vùi lấp hơn 10 người
- Một phó hiệu trưởng ở Quảng Trị bị lũ cuốn trôi
- Ôtô 7 chỗ lao xuống sông Mã, 3 người bên trong thiệt mạng
Thông tin ban đầu báo VTC News đăng tải, ngày 12/10, sau khi nhận điện báo có vụ sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3, vùi lấp hơn chục công nhân, đoàn công tác gồm 21 người do ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 làm trưởng đoàn đã khẩn trương lên rừng tìm kiếm cứu nạn.
Khoảng 16h ngày 12/10, đoàn cứu hộ đến khu vực rừng núi có công trình thủy điện Rào Trăng 3. Vị phó tư lệnh quyết định đi bộ vượt suối, băng rừng tiếp cận hiện trường để khảo sát, chỉ đạo công tác cứu nạn.
Ngày thường, từ trung tâm xã Phong Xuân đến khu vực thủy điện Rào Trăng 3 mất hơn 90 phút đi xe máy, nhưng do mưa lũ, sạt lở, suối chảy bất thường nên đi lại rất khó khăn, đoàn cứu hộ quyết định bám đá, bò đường để trườn qua những điểm sạt lở.
Khi gần đến điểm sạt lở, quả đồi bên đường bất ngờ sạt xuống khu vực đoàn đang nghỉ tại Trạm kiểm lâm số 7, vùi lấp nhiều người.
Trong một nỗ lực kết nối, chiều 13/10, VnExpress được Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ , Phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết: Lúc 23h ngày 12/10, đoàn tiếp cận báo về còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3 km. Lúc này thời tiết xấu, trời tối và mưa lớn nên đoàn quyết định vào Trạm kiểm lâm số 7 thuộc tiểu khu 67 (đóng trên đường di chuyển) nghỉ ngơi để sáng sớm tiếp tục lên đường.
Tuy nhiên, giữa đêm đã xảy ra vụ sạt lở đất tại vị trí hai căn phòng của lực lượng cứu hộ đang nghỉ. Sau đó, chỉ một số trong hơn 20 người may mắn thoát ra khỏi hiện trường vụ sạt lở và quay về.
“13 người đang mất tích, 8 người chúng tôi đã liên lạc lại được. Hiện các lực lượng đang tổ chức tìm kiếm”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho hay.
Cho biết trên báo Tuổi Trẻ Online, ông Bình người tham gia nhóm cứu hộ, cứu nạn nói rằng, ông và một số thành viên trong nhóm đã về an toàn lúc 5h sáng nay, vẫn còn một số thành viên mắc kẹt lại.
Về những người bị nạn bên trong thủy điện, trưa nay đại diện Công ty cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 xác nhận, có 3 công nhân tử vong.
Báo Thanh Niên thông tin, nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 được cấp phép đầu tư vào đầu tháng 11.2008 (vị trí tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế), Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn làm chủ đầu tư.
Nhà máy có công suất lắp máy 11 MW, với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha; trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ. Đến nay, Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã hoàn tất 90% hạng mục xây dựng.