Chiều tối 12/10, lãnh đạo Thừa Thiên – Huế nhận tin báo về vụ sạt lở đất ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 thuộc huyện Phong Điền, khiến hơn 10 công nhân bị vùi lấp.
- Tổng hợp tối 12/10: Thuỷ điện ở Huế sạt lở; Ông Đoàn Ngọc Hải cùng bí thư, chủ tịch huyện Mèo Vạc bưng phở đãi học sinh
- Video: Lũ ống ở Quảng Nam, người dân tưởng vỡ đập thủy điện
VTV cho biết, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã gọi lại cho người báo tin nhưng không liên lạc được do khu vực thủy điện không có sóng di động. Để xác minh thông tin, suốt đêm 12/10, đoàn công tác gồm lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ Tư lệnh quân khu 4, cùng Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã tìm cách tiếp cận hiện trường nơi xảy ra vụ việc.
Ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thông tin với báo Pháp luật TP. HCM, người báo tin nói có khoảng 14-17 người gặp nạn. Đến sáng nay, ông Thọ và đoàn công tác cố gắng tiếp cận hiện trường.
Cũng trong sáng nay 13/10, ông Dương Văn Quý – phó giám đốc Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3, nói với Tuổi Trẻ, công ty sẽ thuê trực thăng bay lên khu vực thủy điện để xác minh sự vụ. Song hiện chưa rõ trực thăng sẽ bay về Huế khi nào vì thời tiết vẫn còn rất xấu.
Tuổi Trẻ Online cũng liên lạc với ông Nguyễn Đại Thành – giám đốc Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 để hỏi rõ hơn về thông tin này nhưng ông Thành từ chối và cho biết hiện tại phải gấp rút lên khu vực thủy điện.
Trước đó, lúc 23h đêm qua 12/10, đoàn của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế báo về còn cách Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3km, nhưng do thời tiết xấu, trời tối và sạt lở nên việc tiếp cận khó có thể diễn ra tiếp tục.
Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 nằm trên sông Rào Trăng được cấp phép đầu tư vào đầu tháng 11/2008, có công suất lắp máy 11MW với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha, trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.