Ba cuộc phỏng vấn trên tờ The Economist với 3 quan chức hàng đầu Ukraine gồm Tổng thống Zelensky, Tướng Valery Zaluzhny, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine và Trung tướng Oleksandr Syrsky, Chỉ huy lực lượng bộ binh của Ukraine, cho thấy việc cả ba đều được phỏng vấn trên cùng tờ The Economist không phải là một điều ngẫu nhiên.
Nội dung của cả ba bài phỏng vấn đều có một mẫu số chung, đó là các quan chức Ukraine tiếp tục yêu cầu Mỹ và EU cung cấp thêm tài chính và vũ khí.
Tuy nhiên cuộc phỏng vấn với Tướng Valery Zaluzhny, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine dường như truyền tải đi một thông điệp ngầm rằng: “Bất kỳ ai đánh giá thấp Nga đều đi tới thất bại”.
Đó là khi ông nói: “Đối với tôi, có vẻ như chúng ta đang ở bên bờ vực thẳm… Và nếu [lưới điện] bị phá hủy… đó là lúc vợ con của những người lính sẽ bắt đầu chết cóng”.
“…Việc huy động của Nga đã có hiệu quả…Họ sẽ chiến đấu. Sa hoàng [Putin] bảo họ tham chiến, và họ sẽ tham chiến… Theo ước tính của chúng tôi, họ có lực lượng dự bị từ 1,2–1,5 triệu người… Người Nga đang chuẩn bị khoảng 200.000 tân binh”.
Nói cách khác, Tướng Valery Zaluzhny đã thừa nhận ngầm rằng Ukraine không thể thắng trước người Nga.
Giới quan sát có khá nhiều luồng nhận định, trong đó việc tướng Zaluzhny công khai thừa nhận thực tế giữa Ukraine và Nga hẳn không phải là việc bình thường khi trong nhiều tháng qua, chủ đề yêu thích của tình báo Anh, Mỹ và các kênh truyền thông phương Tây chính là hình ảnh một quân đội Nga lộn xộn, thiếu vũ khí, sa sút tinh thần và chỉ là hổ giấy…
Scott Ritter, cựu sĩ quan tình báo Thủy quân lục chiến Mỹ và từng là thanh tra vũ khí Liên Hợp Quốc tại Iraq đã có cuộc thảo luận với Thẩm phán Neapolitano. Ông cho rằng 3 cuộc phỏng vấn trên tờ The Economist cho thấy phương Tây đang gạt Tổng thống Zelensky sang một bên khi để tướng Zaluzhny trả lời tình hình thực tế. Do đó, cuộc phỏng vấn của tờ The Economist đã nhấn mạnh thêm vào vai trò của Tướng Zaluzhny hơn là Tổng thống Zelensky.
Vì vậy mà giới quan sát, trong đó có cựu sĩ quan tình báo Scott Ritter chỉ ra rằng, Washington có vẻ như muốn ‘thay ngựa giữa dòng’.
Thêm một tình tiết đáng chú ý nữa, đó là Tướng Zaluzhny từng coi mình là hậu bối của Tướng Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga.
Chính truyền thông Ukraine, tờ Ukranews gần đây viết như sau: “Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi từ khi còn trẻ đã nghiên cứu các tác phẩm được sưu tầm của Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga, Tướng Valery Gerasimov.
Tướng Zaluzhnyi nói: “Tôi trưởng thành từ học thuyết quân sự của Nga và vẫn tin rằng toàn bộ khoa học quân sự là ở Nga. Tôi học từ [tướng] Gerasimov. Tôi đọc mọi thứ ông ấy viết… Ông ấy là một người thông minh và kỳ vọng của tôi dành cho ông ấy rất lớn”.
Tóm lại, tướng Zaluzhny của Ukraine được biết đến với tư cách là một quân nhân chuyên nghiệp, và về mặt uy tín trong con mắt của các chính trị gia Nga, ông hơn hẳn Tổng thống Zelensky vốn xuất thân từ diễn viên hài.
Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng Mỹ và NATO muốn thoát khỏi cuộc xung đột đang có phần bế tắc ở Ukraine và để tướng Zaluzhny thay Tổng thống Zelensky thương lượng với Nga?
Nhưng chẳng phải Tổng thống Biden, Tổng thư ký NATO Stoltenberg và Thủ tướng Đức Scholz, Tổng thống Pháp Macron từng nói rằng Nga ‘không được phép chiến thắng’ hay sao?
Tuy nhiên cuộc chiến tại Afghanistan và cuộc rút lui hỗn loạn của quân đội Mỹ khỏi thủ đô Kabul chẳng phải đã mất hút trên các bản tin truyền thông dòng chính phương Tây và hiện hầu như đã bị lãng quên. Taliban là kẻ thù của phương Tây và không được phép chiến thắng. Nhưng cuối cùng phiến quân này đã thắng.
Khả năng cuộc xung đột tại Ukraine có thể bị xếp xó?
Hơn một năm sau, vào ngày đánh dấu 1 năm sự sụp đổ của Kabul vào tháng 8/2022, hầu như rất ít kênh truyền thông đề cập tới. Bởi mọi tiêu đề đã chuyển từ Afghanistan sang Ukraine. Giờ đây, có khả năng cuộc xung đột tại Ukraine có thể lại lặng lẽ bị xếp xó để mở ra một chương mới cho ‘sự xâm lược’ của Serbia chống lại Kosovo?
Rõ ràng một Serbia yếu thế hơn Nga có thể giúp NATO đánh bóng hình ảnh bị hoen ố của mình thời hậu Afghanistan và Ukraine. Nói một cách đơn giản, Serbia đang bị các quan chức EU và Mỹ đe dọa khi Chính phủ nước này đang đề xuất cử 1.000 cảnh sát của nước này đến Kosovo để bảo vệ quyền của người dân Serbia địa phương.
Rất có thể NATO muốn sử dụng điều này như một cái cớ để thể hiện sức mạnh quân sự của mình. Trong khi ấy, Serbia dù là đồng minh của Nga nhưng lại đang ở trong một tình thế rất dễ bị tổn thương, bởi bao quanh Serbia là các quốc gia NATO và EU.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu có phải phương Tây đang tìm cách ‘hạ cánh êm ái’ chủ đề về Ukraine hiện đang bế tắc và khiến các kho vũ khí của Mỹ và NATO trở nên trống rỗng?
Tuy nhiên sau 10 tháng giao tranh, những diễn biến trên chiến trường cho thấy người Nga sẽ không ngừng cuộc xung đột một khi chưa đạt được mục tiêu của mình: Đó chính là phi phát xít hóa, phi quân sự hóa, và biến Ukraine trở thành quốc gia trung lập.
Có thể bạn quan tâm: