Trong nỗ lực vô ích nhằm ngăn chặn sự tổn thất đều đặn của lực lượng Ukraine, chính quyền Biden đã gia tăng áp lực lên thủ tướng Scholz để buộc Đức phải chuyển giao xe tăng Leopard cho Ukraine, bằng cách cung cấp một phần dự trữ xe tăng Abrams M1 của mình. 

Một năm cuộc chiến tại Ukraine

Cuộc xung đột này cũng đã làm tan biến hoàn toàn khái niệm ảo tưởng rằng, Nga có thể là đối tác đối thoại của phương Tây, với tiết lộ gây sửng sốt của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel gần đây, rằng các cuộc đàm phán của phương Tây với Nga về Thỏa thuận Minsk là một “nỗ lực để câu giờ cho Ukraine” và rằng Mỹ, NATO đã vũ trang cho chính quyền Kyiv để nước này có thể đấu lại với Nga. 

Điện Kremlin đã phản ứng  trước thông tin này với sự cay đắng vì bị lừa dối. Do đó, Nga quyết định sáp nhập bốn khu vực của Ukraine bao gồm Donetsk và Lugansk [thuộc Donbass], cùng Zaporozhye và Kherson vào hồi tháng 9 năm ngoái.

Khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, Điện Kremlin từng hy vọng áp dụng binh pháp Tôn Tử, rằng nghệ thuật chiến tranh tối cao là khuất phục kẻ thù mà không cần chiến đấu, nhưng giờ đây đã phải nhường chỗ cho chủ nghĩa hiện thực. Bởi chính quyền Joe Biden sẽ không cho phép xung đột kết thúc sớm cho đến khi nước Nga suy yếu. Điều này dẫn đến việc Nga rút khỏi các vùng Kharkov và Kherson nhằm tạo ra một tuyến phòng thủ kiên cố và phản công. 

Tổng thống Putin đã chấp nhận yêu cầu huy động một phần lực lượng dự bị quân đội, và việc triển khai quân bổ sung sau đó  ở Ukraine, cùng với việc tăng cường lực lượng ở Belarus, đã lần đầu tiên đưa Nga vào vị trí chỉ huy quân sự khi cuộc chiến bước sang năm thứ hai.

Điện Kremlin đã đưa ra các cơ chế cần thiết để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng và nền kinh tế đáp ứng nhu cầu của các hoạt động quân sự ở Ukraine. Từ quan điểm tập trung dài hạn cho quốc phòng, cuộc xung đột này đã đẩy Nga nổi lên với tư cách là một cường quốc quân sự mà tập thể phương Tây sẽ e ngại phải đối đầu trực diện. 

Ngày 25/1, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn bất thường với tạp chí Argumenti Fakti, rằng kế hoạch phát triển Lực lượng vũ trang mới được phê duyệt sẽ đảm bảo việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga. 

Theo kế hoạch, các quân khu Moscow và Leningrad sẽ được thành lập, ba sư đoàn súng trường cơ giới sẽ được thành lập ở các tỉnh Kherson và Zaporozhye tại Ukraine, và một quân đoàn sẽ được thành lập ở phía tây bắc vùng Karelia giáp với Phần Lan.   

Ở phía đông Donbass, trận chiến vẫn tiếp diễn và Ukraine tiếp tục thua trong cuộc chiến. Tài khoản Telegram Intel Slava Z cho biết: 

“Nhiệm vụ đánh chiếm Bakhmut là tiêu diệt quân đội Ukraine ở vùng lân cận thành phố và ngăn chặn mọi hành động tấn công theo bất kỳ hướng nào của mặt trận. Tất cả các đơn vị sẵn sàng chiến đấu của Lực lượng Vũ trang Ukraine đều được gửi đến Bakhmut. Và tập đoàn quân sự tư nhân “Wagner” đã tiêu diệt chúng, mở ra cơ hội hoạt động ở các lĩnh vực khác”. 

Trong khi đó truyền thông Ukraine thừa nhận người Nga đang tăng cường áp lực lên các hướng Ugledar và Bakhmut. Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Anna Malyar thông báo như sau:  “Kẻ thù ném một lượng đáng kể nhân sự, vũ khí và thiết bị quân sự vào trận chiến, cố gắng chọc thủng hàng phòng ngự của chúng ta, chịu tổn thất đáng kể, nhưng không từ bỏ kế hoạch của chúng”.

Tuy nhiên, trái ngược với đánh giá của bà Thứ trưởng Anna Malyar rằng phía Nga đang chịu tổn thất thì chính Tình báo Liên bang Đức cho biết, quân đội Ukraine hiện đang mất số lượng binh sĩ ở mức ba con số mỗi ngày tại các trận chiến. Điều đó có nghĩa là lực lượng Ukraine đang tổn thất hàng trăm binh sĩ mỗi ngày chỉ riêng tại Bakhmut. 

Báo cáo của Reuters cũng dẫn lời một quan chức cấp cao của Chính quyền Biden hôm 21/1 rằng, có “khả năng cao” là người Nga sẽ đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi Bakhmut, nơi mà các chuyên gia quân sự phương Tây đã gọi là “trụ cột” của toàn bộ tuyến phòng thủ Ukraine ở Donbass.

Leopard sẽ tới Ukraine: Bao nhiêu và khi nào?

Sự thay đổi lập trường của Mỹ diễn ra sau cuộc điện đàm vào ngày 17/ 1 giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Olaf Scholz, trong đó ông Biden đồng ý xem xét việc cung cấp xe tăng Abrams để phá vỡ thế bế tắc ngoại giao và mở đường để Đức đồng ý cho phép các nước khác chuyển giao Leopard cho Ukraine. 

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã phản đối bất kỳ việc cung cấp xe tăng nào, do lo ngại  hậu quả của việc leo thang.  

Kênh NBC News đã viết như sau: “Milley và Austin đã trích dẫn thời gian đào tạo nhân viên vận hành xe tăng và mức độ khó khăn của việc bảo trì xe tăng. Họ cũng lập luận rằng chúng không phải là phương tiện phù hợp cho cuộc chiến ở Ukraine ngay bây giờ.

… [Bộ trưởng Quốc phòng] Austin đã lập luận rằng việc đào tạo để vận hành và bảo trì xe tăng sẽ mất hàng tháng, và mặc dù người Ukraine đã chứng tỏ sự thành thạo trong việc học nhiều nền tảng mới, ông này vẫn tiếp tục phản đối việc gửi [xe tăng] Abrams”. 

Tuy nhiên chính quyền Biden vẫn đều đặn vượt qua từng lằn ranh đỏ của chính mình. Từ đầu cuộc chiến, Tổng thống Biden đã bắt đầu bằng cách tuyên bố rằng, Mỹ sẽ chỉ cung cấp vũ khí phòng thủ. Sau đó là HIMARS và các vũ khí tầm xa khác tấn công các mục tiêu ở Nga. Việc cung cấp xe tăng là một lằn ranh đỏ tiếp theo và điều gì sẽ còn tiếp diễn theo sau nữa? Phải chăng là máy bay chiến đấu hay tàu ngầm?

Rõ ràng Chính quyền Biden đang hy vọng kéo dài thời gian cho đến mùa xuân để trang bị vũ khí tối tân cho quân đội Ukraine vốn đã bị tơi tả trước hỏa lực của Nga. Các kho vũ khí cũ có từ thời Liên Xô của các nước Baltic giờ đã cạn kiệt. Thậm chí cả kho dự trữ của NATO cũng vậy. Trong khi ấy ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây sẽ cần thời gian để khởi động lại sản xuất.

Hôm nay chính phủ Đức đã chính thức xác nhận sẽ cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine. Điều này xảy ra sau khi Mỹ hứa sẽ chuyển giao 31 chiếc xe tăng Abrams của nước này cho Ukraine. 

Đức thông báo sẽ gửi 14 mẫu Leopard 2 A6 từ kho dự trữ của quân đội Đức và Berlin cũng cho phép các đồng minh châu Âu gửi xe tăng của mình đến Ukraine. 

Tuy nhiên cần lưu ý là, từ việc tuyên bố đến việc chuyển giao xe tăng sẽ là cả một quá trình, không diễn ra ngay lập tức. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, lô Leopard-2 đầu tiên có thể được chuyển giao từ Đức trong khoảng 3 tháng nữa.

Đồng thời, người Đức nói rằng họ sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu và gửi binh lính của họ tới Ukraine “cả hiện tại và trong tương lai”. Đại sứ quán Nga tại Berlin đã đưa ra một tuyên bố rằng quyết định gửi xe tăng Leopard tới Ukraine của Đức “đưa cuộc xung đột lên một cấp độ đối đầu mới”.

Theo sau Berlin, các quốc gia châu Âu khác đang sở hữu Leopards được bật đèn xanh sẽ rục rịch chuyển giao cho Ukraine bao gồm:

Tây Ban Nha: 53 xe tăng (nhưng hiện chỉ có 20 chiếc đang sử dụng, số còn lại cần được sửa chữa); Đức – 14; Hà Lan – 18; Ba Lan – 14; Bồ Đào Nha – 4; Na Uy – 8.

Ngoài ra, Anh hứa sẽ cung cấp 14 xe tăng Challenger và Mỹ hứa khoảng 30 xe tăng Abrams.  Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan cũng tuyên bố sẵn sàng gửi xe tăng tới Ukraine.

Tổng cộng, Ukraine có thể nhận được khoảng 100 xe tăng Leopard và Challenger nhanh nhất (hoặc thậm chí nhiều hơn, tùy thuộc vào số lượng xe tăng mà Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển cung cấp). Còn nhớ hồi tháng 12, Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Zaluzhny từng tuyên bố rằng, ông cần “300 xe tăng, 600-700 xe chiến đấu bộ binh, 500 khẩu pháo” để đánh bại người Nga. 

Tuy nhiên việc chuyển giao Abrams mà chính quyền Biden tuyên bố không phải là một sớm một chiều.  

Theo tờ Washington Post, thì xe tăng Abrams có thể sẽ không được sử dụng để cận chiến, và “khó có thể chuyển đến kịp vào mùa xuân, khi các lực lượng Nga dự kiến ​​sẽ bắt đầu một cuộc tấn công mới và Ukraine có kế hoạch tiến hành cuộc phản công…  Thay vào đó, Abrams “có lẽ không dành cho một cuộc chiến gần”… có thể sẽ không đến trong nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm”. 

Vậy tại sao quan chức Mỹ tiết lộ là phải mất nhiều tháng thậm chí nhiều năm mới chuyển xe tăng Abrams cho Ukraine? Câu trả lời là: chính quyền Biden dự kiến ​​sẽ đặt hàng Abrams từ các nhà sản xuất hơn là chuyển từ kho dự trữ hiện có của Mỹ. Thực tế cho thấy, để giải thế bế tắc với chính phủ Đức, chính quyền Biden đã buộc phải tuyên bố như vậy nhưng vẫn tránh gửi xe tăng Abrams ngay lập tức cho Ukraine. 

Tương tự, kênh ABC27 của Mỹ cũng xác nhận như sau: “Xe tăng của Mỹ sẽ được mua thông qua Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine, có nghĩa là sẽ mất một thời gian để lực lượng Ukraine nhận được xe tăng và có thể triển khai chúng trên chiến trường…

Mỹ có hàng nghìn chiếc Abrams trong kho… nhưng không có “hàng dự trữ dư thừa”…. quân đội Ukraine sẽ phải trải qua quá trình chuẩn bị đáng kể để học cách vận hành, bảo trì và duy trì Abrams. Đó là một quá trình sẽ mất vài tháng”.

Ngay cả Leopard cũng không có khả năng tham gia chiến trường nhanh chóng như chính quyền Kyiv mong muốn. Chuyên gia quân sự Ukraine Konstantin Mashovets tin rằng, nước này có thể thành lập ít nhất một lữ đoàn xe tăng “Leopard” vào cuối tháng Ba, bởi các binh sĩ sẽ trải qua quá trình đào tào tập luyện phối hợp chiến đấu. Bởi đơn giản “Leopard” không phải là cỗ máy dễ dàng điều khiển, từ khâu vận hành, sửa chữa và bảo trì thành thạo cho đến việc phát triển các phương pháp sử dụng chiến thuật hiệu quả nhất.  Ngoài ra, binh sĩ sẽ phải học cách làm việc hiệu quả và thống nhất với các hệ thống vũ khí, tình báo và thông tin liên lạc khác được sử dụng trong Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Có thể bạn quan tâm: