Báo cáo chỉ ra Trung Quốc đã tăng cường giám sát bằng “công nghệ nhận dạng cảm xúc” – phương tiện để theo dõi cảm xúc của con người và giúp họ thực thi pháp luật. Phân tích cho rằng, điều này còn đáng sợ hơn cả công nghệ nhận dạng khuôn mặt, ĐCSTQ coi “toàn dân là kẻ địch”, coi tất cả mọi người đều là nghi phạm.
- Điểm tin 6/3: Ông Pompeo kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh; Việt Nam có thêm 7 ca Covid-19
- WHO sẽ hủy báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc trước lo ngại về tính hợp pháp của nó
- Biển Đông dậy sóng: Đài Loan phóng tên lửa đáp trả Trung Quốc tập trận 1 tháng
Tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc hôm 4/3 nói rằng người Trung Quốc đang ngày càng quen với việc sử dụng “công nghệ nhận dạng cảm xúc” (trí thông minh nhân tạo cho phép chính phủ theo dõi cảm xúc của con người) như một phần trong cuộc sống hàng ngày, theo Breitbart.
Thời báo Hoàn cầu đã đưa ra ví dụ minh họa tính hữu ích của công nghệ này, trong đó cảnh sát bắt giữ hành khách trên xe sau khi sử dụng trí thông minh nhân tạo để phát hiện ra ma túy trong xe của họ. “Công nghệ nhận dạng cảm xúc” cho phép các nhân viên an ninh biết được các hành khách đang lo lắng hơn bình thường tại một trạm kiểm soát, và dựa vào đó để khám xét xe.
Các nguồn tin cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp khét tiếng đang áp dụng “công nghệ nhận dạng cảm xúc” trong “nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm y tế, chống khủng bố và an ninh đô thị” .
Tờ Breitbart bình luận rằng công nghệ này được phát triển nhằm hình sự hóa cảm xúc, biện pháp theo sau những phát triển trong việc thực thi pháp luật ngày càng đáng báo động của Trung Quốc. Trong đó, tiết lộ gần đây nhất là việc gã khổng lồ công nghệ Huawei đang phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể xác định dân tộc của một người, từ đó giúp cảnh sát Trung Quốc dễ dàng bắt bớ các thành viên của nhóm người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Nhiều chính phủ trên thế giới, bao gồm cả chính quyền Trump và Biden, đã cáo buộc Trung Quốc phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Tờ Thời báo Hoàn cầu không đề cập cụ thể đến việc áp dụng “công nghệ nhận dạng cảm xúc” ở Tân Cương, nhưng dường như không nhiều thử nghiệm với phương pháp này được tiến hành tại các nhà tù Trung Quốc. Tờ báo cho biết, ít nhất sáu nhà tù đang công khai sử dụng công nghệ này đối với các tù nhân để dự đoán những người có khả năng xảy ra hành vi bạo lực.
Theo Breitbart, bởi vì Trung Quốc coi bất kỳ sự chỉ trích nào dù nhẹ nhàng đối chế độ này cũng là tội ác “lật đổ chính quyền” hoặc “gây rối” nên những người bị áp dụng phương pháp này có khả năng là tù nhân chính trị. Ở Trung Quốc, quan niệm về tôn giáo nằm ngoài quy định của nhà nước cũng là bất hợp pháp và chỉ có 5 tôn giáo được coi là hợp pháp, gồm: Đạo giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo và Thiên chúa giáo Tin lành.
Tờ Thời báo Hoàn cầu trích dẫn cuộc thử nghiệm tại một nhà tù ở Quảng Châu vào năm 2019 rằng “Công nghệ này giúp các quản giáo đánh giá các rủi ro tiềm ẩn của một tù nhân, bao gồm các vấn đề tâm thần và xu hướng bạo lực hoặc tự sát, và dự đoán xem liệu người này có khả năng tái phạm sau khi được thả hay không. ”
Tờ báo tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc đã dẫn lời lãnh đạo trung tâm Quảng Châu để biện minh cho việc sử dụng công nghệ này, nói rằng: “Khi một tù nhân nhìn vào camera từ 3-4 giây, hệ thống nhận dạng này có thể biết được 7 chỉ số sinh lý chính của họ, bao gồm nhiệt độ cơ thể, chuyển động của mắt, nhịp tim, và chuyển đổi chúng thành các dấu hiệu tâm lý cho thấy tù nhân đang bình tĩnh, chán nản, tức giận hay bất cứ điều gì khác tại thời điểm đó ”.
Bên ngoài các nhà tù, tờ báo nhà nước ca ngợi việc áp dụng “công nghệ nhận dạng cảm xúc” trên đường phố, nơi cảnh sát có thể theo dõi cảm xúc của những người lái xe và ngăn chặn bất kỳ ai có cảm xúc “bất thường”. Tờ báo tuyên bố rằng điều này sẽ giúp ngăn chặn các sự cố xảy ra trên đường hoặc các hành vi tội phạm tiềm ẩn khác.
Một số “chuyên gia” Trung Quốc khoe rằng AI của Trung Quốc có thể phát hiện cảm xúc của một người với độ chính xác lên đến 95%.
“Nhận diện cảm xúc chắc chắn là hướng phát triển công nghệ trong tương lai của nhân loại,” một chuyên gia về thần kinh nói với tờ báo.
Thời báo Hoàn cầu đề cập rằng, bên ngoài Trung Quốc, người dân thế giới có thể thấy lo ngại về quyền riêng tư và sự an toàn của mình trong trường hợp chính phủ triển khai công nghệ này để theo dõi cảm xúc của họ.