Cập nhật tình hình COIVD-19 ngày 20/4: Trung Quốc lập hai huyện đảo quản lý Trường Sa, Hoàng Sa
Kính chào quý vị và các bạn đến với bản tin cập nhật tình hình COVID-19. Bản tin hôm nay, ngày 20/4 có những nội dung sau:
Tin tại Việt Nam
-
Trung Quốc lập hai huyện đảo quản lý Trường Sa, Hoàng Sa giữa dịch Covid-19
-
Nhân viên công ty Trường Sinh tái dương tính với COVID-19 sau khi ra viện
-
610 mẫu xét nghiệm ba chợ đầu mối Hà Nội đều âm tính
Tin thế giới
-
Hội trưởng Hội đồng hương Thượng Hải trộm vật tư y tế tại Brazil bị bắt giữ
-
Tây Ban Nha phát hiện thêm triệu chứng của COVID-19: nổi mụn nước ở chân
-
Nhận tài liệu nghi dính COVID-19, phủ tổng thống Afghanistan thành ổ dịch
-
Úc yêu cầu điều tra nguồn gốc virus corona, thêm áp lực lên Trung Quốc
-
Singapore đứng đầu Đông Nam Á về số ca nhiễm COVID-19
Sau đây là nội dung chi tiết:
Nội dung chính
Lợi dụng dịch COVID-19, Trung Quốc lập hai huyện đảo quản lý Trường Sa, Hoàng Sa
Hôm 19/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ sau khi Trung Quốc thông báo thành lập quận Tây Sa và Nam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông vào ngày 18/4.
Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rằng quận Tây Sa sẽ quản lý quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield và vùng biển xung quanh, trong khi quận Nam Sa quản lý quần đảo Trường Sa và vùng biển kế cận.
Trước đó, Việt Nam cũng cứng rắn phản đối vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi tháng Hai, sự kiện mà Trung Quốc lý giải là do tàu cá Việt Nam “tự đâm vào tàu Trung Quốc rồi chìm”. Sau đó vào ngày 30/3, Việt Nam đã gửi công hàm lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, phản đối yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông. Công hàm này mới được công bố ngày 7/4.
Trung Quốc đang bị chỉ trích là lợi dụng sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 để thúc đẩy các mục tiêu phi pháp ở vùng biển giàu tài nguyên này cũng như chuyển dịch sự phẫn nộ của người dân trong nước ra bên ngoài.
Nhân viên công ty Trường Sinh tái dương tính với COVID-19 sau khi ra viện
Ngày 19/4, ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết bệnh nhân 188 là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh (đơn vị từng cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai) sau khi được điều trị, được công bố khỏi bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam trở về nhà tại Chương Mỹ (Hà Nội) để cách ly, theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Theo ông Hiền, hiện trường hợp này đã được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.
Được biết, bệnh nhân này sau khi về nhà tiếp xúc với chồng và con, những người này đã được chuyển đi cách ly.
610 mẫu xét nghiệm ba chợ đầu mối Hà Nội đều âm tính
Chiều ngày 18/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội đã có kết quả xét nghiệm COVID-19 của 610 mẫu bệnh phẩm lấy tại 3 chợ đầu mối lớn gồm chợ Long Biên, chợ Hà Vỹ và Đền Lừ.
Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho hay, trong ngày đơn vị này đã phối hợp Trung tâm Y tế các quận, huyện tiến hành lấy xác suất, xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người làm việc tại các chợ trên để đánh giá yếu tố dịch tễ tại cộng đồng.
Cụ thể, tại chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai) đã lấy 276 mẫu, chợ Long Biên (quận Ba Đình) lấy 254 mẫu và chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín) đã lấy 80 mẫu. Kết quả, toàn bộ 610/610 mẫu xét nghiệm nhanh đều âm tính với SARS-CoV-2, ông Tuấn cho biết.
Tính đến sáng ngày 20/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính COVID-19, hiện tại Việt Nam có tổng ca nhiễm 268 ca, trong đó 64 trường hợp đang điều trị, 204 người đã khỏi.
Tin thế giới
Theo thống kê trang worldometers, tính đến ngày 20/4, toàn thế giới đã ghi nhận 2.407.339 ca nhiễm COVID-19, 165.069 ca tử vong và 625.127 ca hồi phục.
Hội trưởng Hội đồng hương Thượng Hải trộm vật tư y tế tại Brazil bị bắt giữ
Dịch COVID-29 lan rộng khiến cả thế giới đều thiếu hụt vật tư y tế để phòng chữa bệnh. Ngày 9/4, sân bay Cumbica, Guarulhos, Brazil xảy ra một vụ trộm cắp.
Ngày 11/04, cảnh sát đã đột nhập vào và lục soát nhà của Hội trưởng Hội đồng hương Thượng Hải Trịnh Tiểu Vân (Zheng XiaoYun), thu được 15.000 hộp xét nghiệm virus và 2 triệu vật phẩm y tế (bao gồm khẩu trang, găng tay, mũ, quần áo bảo hộ, cồn sát khuẩn, nhiệt kế) với tổng giá trị khoảng 760.000 USD. Thông qua quá trình điều tra, xác định những vật tư y tế này trùng khớp với những vật tư trong vụ trộm tại sân bay Cumbica.
Trịnh Tiểu Vân khai với cảnh sát rằng số vật tư y tế trong kho là đồ quyên góp của các nhà buôn, sau đó sẽ được chuyển tới cho các bệnh viện Brazil sử dụng. Tuy nhiên phía cảnh sát sau đó, đã tiến hành bắt giữ toàn bộ 10 người trong vụ trộm. Bộ Quản lý công Brazil và Bộ Tư pháp đang tiến hành giam giữ vô thời hạn đối với Trịnh Tiểu Vân.
Theo phân tích, tình hình dịch bệnh hiện nay tại Brazil rất gay gắt, động cơ đằng sau vụ trộm khẩu trang này rất đáng ngờ.
Chính quyền Trung Quốc phải thu hồi các sản phẩm khẩu trang, hộp xét nghiệm virus vì chúng có chất lượng kém, liên tục bị các nước công kích và trả hàng. Vì vậy, “ngoại giao khẩu trang” của chính quyền Trung Quốc thất bại nặng nề, nhiều quốc gia bắt đầu chuyển sang hợp tác chống dịch cùng Hàn Quốc và Đài Loan.
Cho đến nay, Brazil đã có hơn 25.000 người nhiễm bệnh, hơn 1.500 người tử vong. Ngày 14/4, hai Thống đốc bang của Brazil là bang Rio de Janeiro và Para, có kết quả dương tính với Covid-19, ngoài ra có thêm 204 ca tử vong, là ngày có số người tử vong nhiều nhất kể từ đầu trận dịch.
Tây Ban Nha phát hiện thêm triệu chứng của COVID-19: nổi mụn nước ở chân
Dịch COVID-19 là một bệnh về đường hô hấp. Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm tứ chi vô lực, ho khan kéo dài, khó thở và sốt. Theo Fox News, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha gần đây đã phát hiện ra rằng một số bệnh nhân nhiễm COVID-19 lại xuất hiện mụn nước ở chân giống như bệnh thủy đậu. Những trường hợp như vậy đang trở nên phổ biến hơn, chủ yếu gặp ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên, một số ít bệnh nhân trưởng thành cũng xuất hiện.
Báo cáo này đã được Hội đồng chung của Học viện Y khoa Tây Ban Nha đệ trình. Báo cáo chỉ ra rằng những bệnh nhân này sẽ có những cục sưng màu tím trên bàn chân của họ, và quan sát bên ngoài nó rất giống với bệnh thủy đậu, sởi hoặc tê cóng. Nó thường xuất hiện trên ngón chân, sau khi chữa trị khỏi sẽ không để lại bất kỳ dấu vết nào.
Các nhà nghiên cứu bổ sung rằng những trường hợp tương tự đã bắt đầu xuất hiện ở Ý, Pháp, Tây Ban Nha và các quốc gia khác.
Trước đó, một báo cáo chỉ ra rằng một số trường hợp nhiễm COVID-19, có thể có các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, hoặc mất khứu giác và vị giác, tổn thương não.
Tây Ban Nha là một trong những quốc gia ở Châu u chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19, với hơn 190.000 trường hợp được xác nhận nhiễm dịch và hơn 20.000 trường hợp tử vong.
Nhận tài liệu nghi dính COVID-19, phủ tổng thống Afghanistan thành ổ dịch
Hãng tin Reuters ngày 18/4, dẫn lời một quan chức cấp cao tại phủ tổng thống Afghanistan cho biết nhiều nhân viên đồng loạt ốm vào đầu tháng 4, và được đưa đi xét nghiệm COVID-19.
Kết quả cho thấy ít nhất 20 nhân viên tại đây dương tính với COVID-19.
Một quan chức y tế cấp cao nói với Reuters rằng: “Một tài liệu bị nhiễm virus đã được gửi từ một cơ quan chính phủ đến một văn phòng trong dinh tổng thống, đó là lý do tại sao các nhân viên trong dinh bị nhiễm bệnh”.
Hiện người thân của các nhân viên này đã bị cách ly, trong bối cảnh có nhiều lo ngại số nhân viên nhiễm bệnh có thể cao hơn.
Tổng thống Ghani đã hạn chế tiếp xúc với cấp dưới và chủ yếu liên lạc qua các phương tiện kỹ thuật số.
Cho đến nay, ở Afghanistan đã có 933 ca nhiễm COVID-19, và có 30 ca tử vong. Các quan chức y tế cho biết do việc xét nghiệm còn hạn chế, số ca nhiễm dịch thực tế ở Afghanistan có thể cao hơn nhiều so với con số được báo cáo.
Úc yêu cầu điều tra nguồn gốc virus corona, thêm áp lực lên Trung Quốc
Ngày 19/4, Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã lên tiếng kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona chủng mới, cách xử lý và ngăn chặn dịch bệnh của Trung Quốc khi dịch bùng phát tại Vũ Hán, đồng thời trách nhiệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc để đại dịch lan ra toàn cầu.
Bà Payne nhấn mạnh Úc chia sẻ các lo ngại tương tự với Mỹ, bao gồm những cáo buộc của Tổng thống Donald Trump về việc WHO đã cố tình che đậy sự nghiêm trọng của dịch bệnh tại Trung Quốc và xử lý sai dẫn tới hậu quả dịch bệnh lây lan toàn thế giới.
Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt nhấn mạnh rằng, Úc đã đạt được thành công trong việc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 một phần là nhờ vào việc đi ngược lại với những lời khuyên của WHO.
Úc hiện đang kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Trong ngày 19/4, Úc xác nhận thêm 53 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này lên 6.586 ca và có 71 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tăng ca nhiễm mới tại Úc là dưới 1% trong 7 ngày liên tiếp gần đây. Đây là tỷ lệ tăng thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.
Singapore đứng đầu Đông Nam Á về số ca nhiễm COVID-19
Ngày 19/4, sau khi công bố có thêm 596 ca nhiễm mới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Singapore nâng lên 6.588 trường hợp. Phần lớn số ca nhiễm mới tại nước này là các lao động nhập cư, công dân Singapore và thường trú nhân chỉ chiếm 25 trường hợp.
Như vậy Singapore đang là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Indonesia xếp thứ hai với 6.575 ca nhiễm, và 582 ca tử vong.