Vào thời điểm mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng đang diễn ra ở Hà Nam, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có chuyến đi kỳ lạ đến Tây Tạng trong khi chưa có quan chức cấp cao nào ở Trung Nam Hải đến hiện trường lũ thị sát thảm họa.
- Tỷ phú Quách: Lũ lụt Trịnh Châu nhấn chìm trung tâm chống Đài Loan, nhiều binh sĩ thiệt mạng
- Video lũ lụt ở Trung Quốc: Dân bất lực đứng nhìn nước dâng đến ngực
- Video: Lũ lụt ‘nghìn năm có một’ tại Trung Quốc do mưa lớn, cuốn trôi người và xe
Theo Sound of Hope, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tuyên bố tình trạng lũ đặc biệt nghiêm trọng vào ngày 20/7, nhưng sau đó lại đến thăm Lhasa, Tây Tạng . Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường còn kỳ lạ hơn, bên cạnh việc triển khai công tác kiểm soát lũ lụt và cứu trợ thiên tai một cách thực tế như trong nội dung cuộc họp cách đây vài ngày, mới đây ông đã ký lệnh ban hành quy định sửa đổi về giết mổ lợn.
Ông Tập Cận Bình đến Tây Tạng sau khi chỉ thị cứu trợ thảm họa
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ban hành chỉ thị vào ngày 20/7 rằng trận lũ tại Hà Nam và những nơi khác rất nghiêm trọng, yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp, bảo vệ an toàn các cơ sở hạ tầng quan trọng, tích cực hỗ trợ các địa phương cứu trợ thiên tai v.v…
Tuy nhiên sau đó, ông Tập Cận Bình lại đến thăm Tây Tạng, theo tờ Tân Hoa Xã. Ông bay tới thành phố Nyingchi vào ngày 21/7 và đi tàu hỏa tới thủ phủ Lhasa của Tây Tạng vào ngày 22/7 để thị sát tuyến đường sắt nối liền vùng biên giới này với tỉnh Tứ Xuyên.
Đây là chuyến thăm Tây Tạng chính thức đầu tiên của ông Tập kể từ khi ông đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư ĐCSTQ vào cuối năm 2012.
Theo Hãng tin Bloomberg, các video trên mạng xã hội cho thấy ông Tập đã đi bộ dọc một con đường ở Tây Tạng, cười và vẫy tay chào người dân đứng xếp hàng dưới sự hộ tống của nhiều vệ sĩ. Ông cũng có bài phát biểu ngắn tại quảng trường.
Đại diện của Chính quyền Tây Tạng tại Đài Loan, Gesang Jian, nói với Đài Á Châu tự do rằng, động thái này cho thấy ĐCSTQ tin rằng vấn đề Tây Tạng, Tân Cương và các vấn đề dân tộc thiểu số khác đã trở thành việc cần được giải quyết khẩn cấp.
Chuyến thăm Lhasa của ông Tập Cận Bình cũng làm dấy lên lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện những cuộc đàn áp khắc nghiệt và tàn nhẫn hơn đối với người Tây Tạng.
Thủ tướng Lý Khắc Cường xử lý lũ “bình tĩnh” bằng việc tập trung vào giết lợn
Trước tình hình lũ lụt thảm khốc ở Hà Nam, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và ông Tập Cận Bình không đưa ra chỉ thị rõ ràng nào về thảm họa, mà chỉ thông qua cuộc họp điều hành của chính phủ để triển khai công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ.
Hơn nữa, trong cuộc họp do ông Lý Khắc Cường chủ trì vào ngày 21/7, việc triển khai công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai chỉ là một trong những nội dung của cuộc họp và lũ lụt ở Hà Nam được đề cập một cách ngắn gọn, không phải vấn đề chính.
Thậm chí, ông Lý mới đây đã ký lệnh ban hành quy định sửa đổi về giết mổ lợn cho thấy ĐCSTQ rất coi trọng chất lượng và sự an toàn của lợn và các sản phẩm từ lợn.
Phản ứng của hai ông Tập và Lý dường như do lũ lụt nghiêm trọng ở Hà Nam
Theo báo cáo từ truyền thông chính thức của Trung Quốc, tính đến 22/7, trận mưa lớn kỷ lục tại Hà Nam đã khiến 33 người thiệt mạng, 8 người mất tích và 3 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế hơn 1,2 tỷ NDT, trong đó 12 người chết trong vụ ngập tàu điện ngầm ở Trịnh Châu.
Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ rằng thảm họa thực tế nghiêm trọng hơn so với thông báo chính thức. Đường hầm Zhengzhou Jingguang dài 4 km chật kín ô tô trong trận mưa lớn và ngập đầy nước trong vài phút. Cư dân mạng nói rằng một phần nước đã được hút và hơn 10 xác chết được tìm thấy, ước tính cuối cùng có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người thiệt mạng. ĐCSTQ đã phong tỏa hiện trường, khiến người dân khó biết chuyện gì đã xảy ra.
Các bản tin chính thức cũng chỉ tập trung tuyên truyền thành tích cứu hộ và câu chuyện cứu người của chính quyền, gần như không có phân tích hay thảo luận nào về nguyên nhân xảy ra thảm họa. Điều này cũng làm dấy lên nghi ngờ.
Bây giờ, ông Tập đang ở Tây Tạng, còn ông Lý thì chưa đưa ra chỉ thị nào. Tờ Ming Pao của Hong Kong ngày 22/7 bình luận rằng động thái này quá kỳ lạ và rất đáng để theo dõi.