Tỷ phú lưu vong Quách Văn Quý tiết lộ mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đã khiến trung tâm chỉ huy chiến đấu chống Đài Loan ở đây bị phá hủy, trong đó có nhiều binh sĩ thiệt mạng.

Theo Vision Times, tỷ phú Trung Quốc Quách Văn Quý, hiện đang sinh sống tại Mỹ, tiết lộ trong buổi phát sóng trực tiếp ngày 20/7 rằng: Trận mưa lớn ở Hà Nam là vô cùng đáng sợ, giống như thác đổ. Theo ông được biết thì trung tâm chỉ huy tác chiến ngầm của Quân đội Trung Quốc ở Trịnh Châu cũng bị lũ nhấn chìm.

Ông Quách nói: “Bạn có biết Viện Đo đạc và bản đồ của quân đội Trung Quốc làm gì ở đó không? Bạn có tin vào số mệnh không? Trung tâm chỉ huy tổng hợp tác chiến chống Đài Loan có bản đồ mô phỏng 1:1 không phải nằm ở Phúc Kiến, mà là ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam!”

Vị tỷ phú nhấn mạnh khi biết tin, ông sợ không chính xác nên đã tìm đến một người bạn nắm rõ tin tức để xác nhận. Kết quả người này trả lời rằng: “So với những gì anh tưởng tượng còn nghiêm trọng hơn nhiều”, “toàn bộ khu vực mô hình 1: 1 và sở chỉ huy tác chiến chống Đài Loan đều bị ngập lụt, nhiều binh lính đã thiệt mạng”.

Theo thông tin tìm kiếm trên Baidu, Viện Đo đạc và bản đồ thuộc Đại học Kỹ thuật Thông tin Trung Quốc là nơi để đào tạo nhân lực đo đạc và bản đồ quân sự cho chỉ huy tác chiến, huấn luyện quân sự và nghiên cứu khoa học. Tiền thân của nó là Học viện Đo đạc và bản đồ quân đội. Đây là một trong những cơ sở đào tạo đại học trọng điểm được ĐCSTQ phê duyệt. Vị trí của nó nằm ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.

Hiện các địa phương chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt bị cắt điện nước, tuy nhiên các kênh truyền thông chính thức ở Trung Quốc lại không tập trung đưa tin về vấn đề nghiêm trọng này khiến dư luận căm phẫn bất bình.

Lũ lụt Trịnh Châu: Thiên tai hay nhân họa?

Nhà văn Nhan Thuần Câu đăng bài phân tích trên Facebook rằng: “Trong những năm gần đây, nhiều nơi tại đại lục xảy ra các trận lũ lớn. Hàng năm đều có mưa lớn. Vậy tại sao lũ đột ngột xảy ra nhiều hơn? Đơn giản thôi, đó là do thành phố phát triển quá nhanh, công trình được phát triển rầm rộ, còn cống thoát nước lại không có ai xử lý. Nhìn từ bên ngoài thì thấy sa hoa tráng lệ nhưng dưới đất lại không có hệ thống thoát nước, khi mưa đến thì nước không thoát được, nên phải chảy trên mặt đất, chỗ nào trũng thì đều bị ngập.”

Ông Nhan cho biết thêm, những năm gần đây, các khu vực thành thị và nông thôn ở Trung Quốc đại lục không ngừng phát triển, trong khi các quan chức địa phương vì mục đích tranh đua thành tích chính trị mà không ngừng nghĩ ra các công trình dân dụng. Người tiền nhiệm vừa rời đi, người sau liền muốn tỏ ra tốt hơn người trước, nên liên tục đổi mới các công trình như sân bay, cầu, biệt thự và tòa nhà chọc trời, cái gì hễ kiếm được tiền liền làm, chỉ hận không thể làm cho thật hoành tráng, kinh thiên động địa, để có thể báo cáo số liệu GDP lên cấp trên mà thăng quan tiến chức trong nháy mắt.

Sau nhiều thập kỷ phát triển bừa bãi, các vùng nông thôn đã trở thành thị trấn nhỏ, thị trấn nhỏ trở thành thành phố, thành phố nhỏ trở thành thành phố lớn, và thành phố lớn trở thành siêu thành phố. Thành phố tiếp tục mở rộng, phạm vi là vô hạn, các thành phố nhỏ liền kề hợp nhất thành một thành phố lớn. Tuy nhiên khi xây dựng các thành phố, không một quan chức nào lưu ý đến vấn đề thoát nước dưới lòng đất.

Nhan Thuần Câu chỉ ra rằng, cống thoát nước cho dù được xây dựng tốt đến đâu thì cũng không ai có thể nhìn thấy, công trình này lại lớn, nếu cố hết sức làm thì cũng không mang lại lợi ích gì cho bản thân. Nhiệm kỳ của một quan chức chỉ có vài năm, nên vấn đề này cứ để cho người kế nhiệm làm, như vậy hết lần này đến lần khác, rất nhiều thành phố mới được xây không có cống thoát nước ngầm hoặc làm qua loa sơ sài.

Khi mưa lớn, nước mưa không thể thoát được sẽ biến đường xá thành sông, thành phố thành biển nước. Nếu có tàu điện ngầm, nước sẽ ồ ạt chảy vào và biến nó thành cống thoát nước.

Trung Quốc bắt đầu hứng chịu trái đắng

Ông Nhan Thuần Câu chỉ trích: “Trung Quốc với 40 năm phát triển, tìm kiếm sự nhanh chóng nhưng không ổn định, tìm kiếm danh tiếng nhưng không trung thực, và bây giờ nó đang bắt đầu hứng chịu trái đắng của sự phát triển điên cuồng. Trong lũ lụt, tổn thất rất lớn, cần bao nhiêu nhân lực và vật lực để khôi phục nhà cửa, xe cộ, hàng hóa, hoa màu bị tàn phá đây? Có những mất mát không thể bù đắp được. Trong khi đó năm nào cũng có mưa lớn và lũ lụt, vậy thì sống thế nào đây?”

Nhà văn này còn đặc biệt nhắc tới trước đây, ở những địa phương có lũ lụt, các vị lãnh đạo trung ương đều xuống tận nơi “chỉ huy cứu trợ thiên tai”, vung tay múa chân để chụp hình, như thế cũng gọi là quan tâm đến cái khổ của dân. Bây giờ có lũ lớn, cán bộ các cấp cũng chưa có ai đến hiện trường, bởi đi cũng vô ích, mỗi năm lũ lụt có đến mấy lần, nếu lần nào cũng đến thì quả là quá cực khổ, thế là các cơ quan báo chí chính thống cũng không đưa tin về tình hình lũ lụt, coi như không có thảm họa xảy ra.

Ông còn nói thẳng rằng các vấn đề mà ĐCSTQ phải đối mặt đang chồng chất như núi, vậy nên nạn lụt ở nhiều nơi không còn là vấn đề quan trọng nữa. Sự tê liệt đối với các thảm họa là do thiên tai thường xuyên xảy ra. Nhưng nếu mọi việc cứ tiếp diễn như thế này thì “đất nước Trung Quốc quá khốc liệt rồi, thảm họa trở thành bình thường”.