Sáng ngày 29/12, một người dân đã chụp được ảnh “3 Mặt trời” tại cổng Tuyên Vũ ở quận Tây Thành, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Người chụp chia sẻ, cảnh tượng này bắt đầu xuất hiện vào khoảng 9 giờ sáng, toàn bộ quá trình “3 Mặt trời” xuất hiện kéo dài khoảng 2 giờ. Việc này đã khiến mạng xã hội nổi sóng bàn luận.
- Mưa sao băng đêm nay 21/12 với dị tượng sao Thổ trùng sao Mộc báo điều gì?
- Video: Dị tượng ‘Quả cầu lửa’ khổng lồ vừa từ trên trời rơi xuống một tỉnh của Trung Quốc
Nội dung chính
“3 mặt trời” xuất hiện trên bầu trời Bắc Kinh
Theo Secret China, ảnh “3 Mặt trời” tại cổng Tuyên Vũ ở quận Tây Thành, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc được đăng tải trên mạng xã hội. Sau đó, một số cư dân mạng đã tải lên các video liên quan. Các hình ảnh cho thấy, ngày 29/12, trên bầu trời tại cổng Tuyên Vũ Môn ở quận Tây Thành, Bắc Kinh xuất hiện “3 mặt trời”. Mặt trời ở giữa sáng nhất, mỗi bên có một “mặt trời” nhỏ, cũng phát ra ánh sáng. Tính đến 10 giờ tối ngày 29/12, nội dung “Nhìn thấy 3 mặt trời trên bầu trời Bắc Kinh” trên Weibo đã thu hút được sự chú ý của 182.000 người. Người dân cũng bình luận sôi nổi.
Một số cư dân mạng xúc động bày tỏ, “Bắc Kinh dạo này đáng thương quá, lại dịch bệnh không ngừng”.
Nhiều người để lại lời nhắn: “Đối với Bắc Kinh đây không phải là một điềm tốt”; “Đồng thời có ba mặt trời, ba ông lớn, ý nghĩa là tam quyền phân lập?”; “Cổ ngữ có câu, trời không có hai mặt trời, dân không có hai chủ, ba mặt trời đột nhiên cùng xuất hiện, lẽ nào thực sự ứng nghiệm?”; “Một cuộc chính biến cung đình đẫm máu là không thể tránh khỏi”.
Chuyên gia Trung Quốc nói đây là ‘hiện tượng bình thường’
Về cảnh tượng 3 mặt trời cùng đột ngột xuất hiện trên bầu trời Bắc Kinh, chuyên gia khí tượng Trung Quốc giải thích, dị tượng này được gọi là “mặt trời giả”; là một loại hiện tượng quang học khí quyển; thuộc loại hiện tượng bình thường và không có ý nghĩa gì đặc biệt.
Tuy nhiên, khi lật lại các cổ thư của Trung Quốc sẽ phát hiện có rất nhiều ghi chép về “Mặt trời giả”; và nó thường là điềm báo cho những sự kiện như chiến loạn, tranh giành ngôi vua, thiên hạ chia cắt v.v.
Trước đó vào ngày 14/2, một video đã ghi hình lại được cảnh trên bầu trời Nội Mông Cổ xuất hiện hiện tượng 5 mặt trời cùng mọc hiếm gặp. Trong video là vầng hào quang của 5 mặt trời nối tiếp nhau, vây quanh thành một vòng tròn lớn cự đại, kéo dài khoảng 1 giờ rưỡi.
Ghi chép về “mặt trời giả” trong các điển tích cổ đại
Trong “Tấn Thư. Thiên Văn Chí” có ghi chép: Tháng 1 năm 314 sau công nguyên, có ba mặt trời di chuyển từ Tây sang Đông; tháng 1 năm 317, lại xuất hiện dị tượng ba mặt trời, có cầu vồng trắng thông thẳng lên thiên đình. Các nhà chiêm tinh nói: “Cầu vồng trắng, báo hiệu có tai họa chiến tranh. Ba mặt trời cùng xuất hiện, không quá ba tháng, chư hầu muốn tranh đấu làm hoàng đế”. Quả nhiên, tháng ba chư hầu nước Ngô ở Giang Đông xưng đế; lại có chư hầu khác xưng vương, thiên hạ đại loạn.
Trong “Ất Tỵ Chiêm”, nhà thiên văn học Lý Thuần Phong đời Đường cũng đề cập, nhiều mặt trời đồng thời xuất hiện là điềm báo thiên hạ sẽ phân chia:
Hai mặt trời cùng xuất hiện thì chư hầu có mưu phản, là họa diệt vong. Thiên hạ chiến loạn, kẻ vô đạo phải chết;
Hai mặt trời cùng chiếu, gọi là “dương minh”. Vua giả đối kháng, thiên hạ có 2 vua tương tranh;
Nhiều mặt trời cùng xuất hiện, thiên hạ phân chia. Mỗi nơi lập ra bá quan riêng, pháp lệnh bất nhất. Các vua cùng xuất hiện, nói rằng nhiều thiên tử.
Trong cổ thư “Khai Nguyên Chiêm Kinh” thời Đường cũng có nhiều ghi chép liên quan tới “Mặt trời giả”. Trong Kinh Thị viết: “Hai mặt trời cùng xuất hiện là dự báo chư hầu mưu phản; tự bị diệt vong; thiên hạ khởi binh; quân thần vô đạo bị diệt vong”.
“3 mặt trời” cùng mọc báo hiệu thiên hạ có binh biến
“Kinh Châu Chiêm” cũng viết: “3 mặt trời cùng mọc, nước đó ắt diệt chư hầu; chỉ còn thành trống; đất tiêu vong; nước sông ào ạt. Nếu không, năm đó đại binh biến và đại thương vong.”
“Kinh Phòng chiếm” viết: “2 mặt trời, 3 mặt trời, 4 mặt trời, 5 mặt trời cùng xuất hiện thì gọi là tranh nhau chiếu sáng, thiên hạ ắt có binh biến; tức sẽ có 3, 4, 5 bậc quân chủ lên ngôi.”
“Xuân Thu Vĩ” viết rằng: “3 mặt trời cùng mọc; thiên tử bị phế truất”, lại nói: “Vài mặt trời cùng mọc, hai vua phân tranh.”
“Tấn Dương Xuân Thu” viết: “Vào năm Kiến Vũ thứ nhất, 3 mặt trời cùng xuất hiện. Quan sử lệnh tại đài quan sát dâng tấu chương can gián rằng: Lẽ nào thiên hạ lại chia 3? Vu Hàm đề cập: 3 mặt trời cùng mọc ắt phải đề phòng; chưa đầy một năm, thiên hạ ắt trị, phân chia đất đai thành 3 bang.”
“Hai mặt trời cùng xuất hiện” ngoài dự báo quốc gia bị chia cắt; đồng thời cũng là dấu hiệu dự báo xuất hiện nạn đói trong dân. Trong “Hà Đồ” viết: “Mặt trời không chiếu, mặt trăng không mất, núi phun ra suối, hỏa thiêu cháy rừng. Lại viết: Hai mặt trời chiếu thiên hạ, dân tất đói”. Trong “Xuân Thu” có ghi chép: “Hai mặt trời cùng xuất hiện, đất nứt nước không chảy”.
Những ghi chép trong các kinh điển trên cho thấy, vào thời cổ đại sự xuất hiện của nhiều mặt trời đều là điềm báo không tốt.
Trung Quốc đang phải đối mặt với thiên tai nhân họa
Năm nay Trung Quốc thực sự đang không ngừng xuất hiện thiên tai nhân họa. Từ đợt bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán vào đầu năm; những cơn mưa xối xả bắt đầu lan rộng ở nhiều tỉnh thành phía Nam gây ra lũ lụt, sạt lở đất giữa năm.
Đến tháng 7 năm nay, nạn châu chấu xuất hiện gây ảnh hưởng không nhỏ cho người dân. Hiện nay, dịch bệnh lại bùng phát ở Trung Quốc, các tỉnh liên tục xuất hiện các ca bệnh mới; tốc độ lây lan của virus ngày càng gia tăng. Trung Quốc cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng do virus đột biến gây ra cho người dân.