Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Quảng Trị đã lên tiếng việc chiếc xe biển xanh của đơn vị bị phản ánh không chịu đóng phí BOT gây ách tắc giao thông là do nhân viên trạm nói biển “xe hộ đê” là giả.

Báo Zing cho biết, sáng 30/6, ông Lê Chí Công, Phó chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Quảng Trị, người có mặt trên xe biển xanh 74A-003.12, đã bác thông tin về việc xe biển xanh của đơn vị không chịu trả phí BOT, gây ách tắc giao thông khi qua trạm vào chiều 29/6.

Phù hiệu xe hộ đê của ôtô được lái xe xuất trình cho trạm BOT Bắc Hải Vân (ảnh: BOT BẮC HẢI VÂN)

Theo ông Công, khi đến trạm thu phí BOT Bắc hầm Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế), đơn vị đã cung cấp đầy đủ giấy đi đường, giấy triệu tập cho nhân viên của trạm thu phí. Tuy nhiên, nhân viên trạm lại cho rằng là biển hộ đê giả.

“Nếu trạm thu phí nói rằng không có ưu tiên, chúng tôi sẽ trả tiền để qua. Tuy nhiên, họ bảo giấy tờ biển hộ đê là giả thì không thể chấp nhận được, ví chúng tôi như vi phạm pháp luật. Sự việc làm ảnh hưởng đến đơn vị và cá nhân tôi”, ông Công nói.

Hình ảnh chiếc xe biển xanh chây ì, không nộp tiền thu phí khiến giao thông bị tắc cục bộ (ảnh: Cắt từ clip).

Trước đó, chiều 29/6, mạng xã hội Facebook chia sẻ 2 đoạn clip từ tài khoản X.V.V.B. phản ánh những bức xúc của tài xế về việc bị tắc đường khi làm thủ tục qua trạm BOT Bắc hầm Hải Vân do có xe biển xanh không chịu trả phí.

Ông Võ Văn Hà – Trạm trưởng Trạm BOT Bắc hầm Hải Vân cho biết, sự việc xảy ra trong khoảng thời gian từ 14h36 đến 15h chiều 29/6. Thời điểm trên, xe biển xanh mang BKS 74A – 003.12 đang di chuyển theo hướng Bắc – Nam, theo báo VietNamNet.

“Khi qua trạm thu phí, do tài khoản VETC (thu phí tự động) của phương tiện hết tiền nên tài xế điều khiển xe qua làn hỗn hợp. Tại đây, tài xế không nộp tiền phí mà xuất trình một tờ giấy có nội dung “Xe hộ đê” do cơ quan chức năng Quảng Trị cấp.

Theo quy định, những trường hợp này nếu có lệnh điều động khẩn cấp thì sẽ được ưu tiên qua trạm nhưng ở đây, tài xế không xuất trình được nên nhân viên thu phí yêu cầu đóng tiền, mức tiền là 108.000 đồng”, ông Hà chia sẻ.

Theo ông Hà, do tài xế không chịu nộp tiền, nhiều phương tiện phía sau bị ùn tắc gây bức xúc cho các tài xế nên ca trưởng đành phải cho xe lưu thông.

Ông Trần Quang Hoài cho biết, so sánh mẫu biển thật (phía trên) và biển “Xe hộ đê” giả (phía dưới) phát hiện rất rõ dấu hiệu làm giả con dấu, chữ ký (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, ông Trần Quang Hoài tổng cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, tình trạng sử dụng biển “xe hộ đê” giả hòng trốn phí đường bộ đã xuất hiện từ nhiều năm. Lường trước việc này, hàng năm, Tổng cục Phòng chống thiên tai đều có công bố rộng rãi mẫu biển và danh sách những phương tiện được cấp để tiện theo dõi và giám sát.

Ông Hoài cũng cho biết, ngay cả việc sử dụng biển này cũng phải tuân thủ đúng quy định, không thể tùy tiện. Biển “xe hộ đê” chỉ được phép sử dụng khi có tình huống thiên tai xảy ra, được các cơ quan nhà nước thông báo và phải có công lệnh đi kèm. Còn lại các trường hợp sử dụng trong điều kiện bình thường là sai mục đích, sai quy định.

Có thể bạn quan tâm: