Các nhà phân tích cho biết Việt Nam đang đối mặt với mối đe dọa an ninh quốc gia khi Campuchia xích lại gần Trung Quốc.
Việc Campuchia cho Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream có thể giúp Bắc Kinh tạo ra thế “gọng kìm” đối với Việt Nam, theo ông Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K Inouye ở Honolulu, Hawaii.
Asia Times dẫn lời ông Vuving: Căn cứ Hải quân Ream cùng với các đảo do Trung Quốc kiểm soát ở quần đảo Trường Sa sẽ “tạo ra gọng kìm quân sự để siết chặt Việt Nam”.
“Sự hiện diện của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho quan hệ của Campuchia với một bên là Trung Quốc và bên kia là Việt Nam”, ông Vuving bình luận.
“Nó đánh dấu một điểm không thể quay lại trong quan hệ Campuchia-Việt Nam và Trung Quốc-Việt Nam.”
Quan hệ Việt Nam – Campuchia không còn như xưa
Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ gắn bó nhất kể từ khi quân đội Việt Nam giúp người Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979. Asia Times cho biết: “Hà Nội là một trong số ít ân nhân của Campuchia trong khi nước này bị quốc tế cô lập trong suốt những năm 1980”.
Ngược lại, Trung Quốc đã gây hấn với Việt Nam ở biên giới, một phần là để nhằm trả đũa Việt Nam vì Khmer Đỏ là “đồng minh” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Asia Times viết: “Các lực lượng Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến tranh biên giới nhằm vào Việt Nam trong suốt thập niên đó để trả đũa việc nước này giúp lật đổ Khmer Đỏ, một đồng minh của Bắc Kinh.”
Tuy nhiên, quan hệ Campuchia-Việt Nam đã suy yếu đáng kể từ những năm 2010 khi Phnom Penh bắt đầu xoay trục sang Bắc Kinh.
“Việt Nam đã đánh mất vị thế là đối tác có ảnh hưởng nhất của Campuchia trong một thập niên”, theo ông Khắc Giang Nguyễn, nhà phân tích tại Đại học Victoria Wellington (New Zealand).
Ông cho biết Căn cứ Hải quân Ream có thể “gây ra rủi ro rất lớn” cho hoạt động của hải quân Việt Nam.
Việt Nam sẽ làm gì trước mối nguy hiểm từ 2 nước láng giềng
Theo Asia Times, Việt Nam có thể xem xét đến việc tăng cường cam kết quốc phòng và an ninh với “các cường quốc thân thiện bên ngoài khu vực, như Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu”. Các chuyên gia đã gợi ý Việt Nam có thể tham gia “Bộ Tứ”, một nhóm đối thoại an ninh giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Hà Nội cũng có thể cho phép các cường quốc nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với các cơ sở quân sự của mình, chẳng hạn như Cam Ranh, một căn cứ hải quân từng đón các tàu hải quân Mỹ, Anh và Pháp trong những năm gần đây.
Việt Nam có thể làm được những điều đó mà không cần phải thay đổi các nguyên tắc chính sách đối ngoại của mình là “không liên kết và không liên minh”, theo ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore.
Từ trước đến nay, Việt Nam khá do dự đối với việc thay đổi hiện trạng. Bất kỳ thay đổi lớn nào đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ chỉ diễn ra sau khi mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc leo thang đáng kể, theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, Trung tâm Tương lai Chính sách, Đại học Queensland, Úc.
“Mặc dù không có lòng tin đối với Trung Quốc, nhưng (Hà Nội) có lo ngại về những tác động tiêu cực đến kinh tế và an ninh của Việt Nam do phản ứng của Trung Quốc nếu Hà Nội tham gia Bộ Tứ hay bất kỳ hiệp ước an ninh nào khác với Mỹ”, Asia Times trích lời Tiến sĩ Hải.
“Nhưng nếu Trung Quốc thực sự gây ra mối đe dọa đối với Việt Nam, việc xích lại gần Mỹ để bảo vệ đất nước sẽ có… tác động tích cực đến sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam”, ông Hải nói.
“Bất kỳ động thái chống Trung Quốc nào cũng sẽ khiến Đảng Cộng sản Việt Nam trở nên dân tộc chủ nghĩa hơn và nhận được sự ủng hộ của công chúng nếu có mối đe dọa thực sự từ Trung Quốc”.
Nhưng mối lo ngại của Việt Nam không chỉ nằm ở Căn cứ Hải quân Ream, mà còn ở những nơi khác ở Campuchia. Có thông tin cho rằng quân đội Trung Quốc có thể tiếp cận các địa điểm ở Dara Sakor, một “khu phát triển du lịch” rộng 360 km vuông ở tỉnh Koh Kong của Campuchia.