Giới chức miền trung Trung Quốc vừa cho nổ một con đập vào Chủ Nhật, ngày 18/7 nhằm giải tải lượng nước đang bồi dâng, trong bối cảnh lũ lụt lan rộng khắp đất nước cướp đi nhiều sinh mạng.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết, con đập trên sông Chuhe ở tỉnh An Huy đã bị phá hủy bằng chất nổ vào sáng sớm Chủ nhật, nhằm đưa mực nước giảm 70 cm, theo hãng tin AP.
Trước đó, mực nước trên nhiều con sông, bao gồm cả Dương Tử, đã tăng cao bất thường vì những cơn mưa xối xả.
Biện pháp nổ đập để xả nước là một phản ứng cực đoan được sử dụng trong các trận lụt tồi tệ nhất của Trung Quốc những năm gần đây. Trước đó, nó cũng được dùng vào năm 1998, khi hơn 2.000 người chết và gần 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy vì lũ lớn.
Tuần trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin, đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử đã mở ba cửa xả khi nước dâng cao 15 mét (50 feet) so với mức cảnh báo lũ. Một đỉnh lũ khác dự kiến sẽ ập đến con đập này vào ngày 21/7 tới.
Tại nhiều nơi, binh sĩ và công nhân đang gia cố đê đập bằng bao cát và đá. Hôm 18/7, họ đã cố gắng vá vết nứt dài 188 mét trên hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Việc nước tràn qua đê bao hồ này đã gây ra lũ lụt cho15 ngôi làng, khiến 14.000 người phải sơ tán.
Lũ lụt theo mùa hoành hành ở Trung Quốc hàng năm, đặc biệt là ở khu vực miền trung và miền nam, nhưng trở nên đặc biệt nghiêm trọng vào mùa hè này. Hơn 150 người đã chết hoặc mất tích trong các trận lũ lụt và lở đất vừa qua.
Khoảng 1,8 triệu người đã được sơ tán và thiệt hại trực tiếp do lũ lụt ước tính lên tới hơn 49 tỷ nhân dân tệ (7 tỷ USD), theo Bộ Quản lý Khẩn cấp.
Cho đến nay, một số thành phố lớn tạm thoát cảnh lũ lụt nhưng mối lo ngại đang gia tăng tại Vũ Hán và các đô thị hạ lưu khác, nơi có hàng chục triệu người đang sinh sống.