Trong lúc cả thế giới đang lo toan, rối bời vì dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, thì chính quyền Trung Quốc – nơi khởi phát đại dịch, lại muốn chộp lấy cơ hội này để phục vụ mưu đồ bành trướng. Theo các nhà phân tích, sự việc đã và đang xảy ra tại Biển Đông thêm một lần nữa làm rõ bộ mặt người hàng xóm của Việt Nam.
- Biển Đông: Mạnh mẽ, đúng thời điểm Việt Nam gửi công hàm
- Vai trò của Việt Nam trong lô hàng 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont chuyển tới Mỹ
- Biển Đông: Quốc tế ủng hộ Việt Nam, lên án Trung Quốc
Thói cường hào trong cơn bạo dịch
Tính đến nay, dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc đã gây ra cái chết cho 95 nghìn người, và làm hơn 1,6 triệu người trên toàn cầu nhiễm bệnh. Trong mấy tháng ngắn ngủi đầu năm 2020, đại dịch này đã phủ bóng đen lên toàn thế giới bởi nỗi lo sợ chết chóc.
Với hơn 200 quốc gia có người lây nhiễm và tử vong vì viêm phổi Vũ Hán, không quá khi nói rằng cả thế giới giờ đây như trong lúc có tang. Còn nói theo tựa đề cuốn sách nổi tiếng của tác gia David Smith – “Nếu thế giới là một ngôi làng”, thì cả ngôi làng nhân loại đang trong những ngày tang tóc. Đây cũng chính là lúc cần tới tinh thần đoàn kết để chống kẻ thù chung – Covid-19. Có lẽ mọi người đều nghĩ vậy, trừ Trung Quốc. Những hành xử trên Biển Đông gần đây của Bắc Kinh cho thấy, họ đã lựa chọn con đường của một ác bá cường hào chứ không phải hành động như một nam tử Hán biết sửa lỗi vì đã gây ra ổ dịch hại chết người làng. Thay vì cùng dập dịch, Trung Quốc lại chủ trương “ngó sang sơ hở nhà hàng xóm” trong lúc nước sôi lửa bỏng.
Chính vì hành động đâm tàu cá Việt Nam, rồi gây hấn với các quốc gia khác trong khu vực giữa bạo dịch, khiến chính quyền Trung Quốc đang nhận về những lời chỉ trích thậm tệ nhất. Nếu như trước đây, công luận Việt Nam và quốc tế ưa dùng những từ như “côn đồ, ngang ngược” cho hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, thì giờ đây những ngôn từ trực chỉ đã mạnh mẽ hơn nhiều. Giới phân tích đặt ra những câu hỏi về “sự liêm sỉ” của chính quyền Trung Nam Hải, để rồi thấy “kinh hãi” khi đưa ra câu trả lời.
Có thể dẫn ra lời của Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng nói với BBC về cảm xúc của bà khi nghe phía Trung Quốc tuyên bố tàu cá Việt Nam QNG 90617 TS tự lao vào tàu hải cảnh Trung Quốc:
“Dù giọng điệu vô cùng quen thuộc qua các năm nhưng mức độ tráo trở đổi trắng thay đen, vừa ăn cướp vừa la làng của phía người có trách nhiệm nhà cầm quyền Trung Quốc khiến nhiều người dân Việt Nam kinh hãi và phẫn nộ, trong đó có tôi”.
Còn với một người không xa lạ gì với các chính sách về biển của Bắc Kinh như Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, thì phía Trung Quốc vẫn muốn diễn lại hành động “côn đồ”. Nó vẫn nằm trong âm mưu độc chiếm Biển Đông, nhưng những hành động và cả những lời bào chữa “ngu ngốc” được Trung Quốc cố ý chọn đúng thời điểm khi cả thế giới đang hoảng loạn vì dịch Covid-19 nên càng thâm độc.
“Dịch Covid-19 này cũng là lúc Trung Quốc lợi dụng thời cơ để thực hiện những hành động sai trái nên phải hết sức bình tĩnh khi bị khiêu khích. Mặt khác, Việt Nam phải nghiêm khắc lên án một cách quyết liệt”, ông Lâm nói với BBC.
“Luật biển có cơ hội thắng Luật rừng”
Nhiều người đã rất minh xác một vấn đề: Những năm qua, Trung Quốc luôn lấy Luật rừng để đè Luật biển. Nói như Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel với VnExpress vào tháng 10/2019: “Cách tiếp cận của Trung Quốc là điều bạn có thể gọi là luật rừng, khi kẻ mạnh nhất có thể có được điều mình muốn”.
Một ví dụ điển hình là Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Toà trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines năm 2016. Trong vụ kiện này, dựa trên các nguyên tắc của Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), Toà trọng tài quốc tế đã bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý mà Bắc Kinh tự vẽ ra, để đòi yêu sách với gần toàn bộ Biển Đông. Phán quyết khẳng định không có thực thể nào mà Trung Quốc đòi sở hữu ở Biển Đông tạo ra lãnh hải hơn 12 hải lý, không tạo nên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Hầu hết các thực thể ở Biển Đông đều không được coi là đảo. Tuy nhiên, với Bắc Kinh, phán quyết của tòa không có giá trị; đơn giản vì nó không có lợi cho “lợi ích cốt lõi” mà họ đang theo đuổi.
Trở lại với câu chuyện Trung Quốc đang hành xử trên Biển Đông. Trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn muốn dùng đến Luật rừng, phía Việt Nam đã công hàm phản đối gửi Liên Hợp Quốc. Phản ứng này của Việt Nam được đánh giá là “đúng thời điểm, mạnh mẽ”.
Vậy điều đó sẽ có tác động như nào? Theo phân tích của học giả Trương Nhân Tuấn trên BBC, Việt Nam sẽ không kiện Trung Quốc, vì những tranh chấp với Trung Quốc ở bãi Tư chính hay khu vực Trường Sa, với phương cách mà Phillipines đã làm. Theo ông Tuấn, cách kiện Trung Quốc bằng con đường này không phải là “thượng sách” bởi kết cục Trung Quốc sẽ dùng Luật rừng để phủ định kết quả của Tòa như vụ kiện của Philippines năm 2016 đã nêu trên.
Điều ông Tuấn thấy trong công hàm mới đây gửi LHQ là động thái muốn “quốc tế hóa” vấn đề Hoàng Sa. Từ đó, sử dụng Luật biển, thể hiện trong nội dung Phán quyết PCA tháng 7 năm 2016, xuyên qua quyết định của Ủy ban ranh giới Thềm lục địa. Việt Nam, Malaysia và Philippines nhờ cơ quan này nhìn nhận hồ sơ hợp pháp về ranh giới thềm lục địa mở rộng của quốc gia mình.
“Điều này có thể đang xảy ra. Việt Nam có thể đang hợp cùng với Philippines và Malaysia, qua các Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng của quốc gia mình, từ tháng 12 năm 2019.
Điều này thành công thì các yêu sách phi lý của Trung Quốc, như “vùng nước tiếp cận các đảo”, “vùng biển lịch sử” thể hiện qua bản đồ chữ U9 đoạn, vùng phia nam Biển Đông, sẽ bị vô hiệu hóa bởi quyết định của LHQ”, ông Tuấn dự đoán.