Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, bất kỳ động thái nào của Đạt Lai Lạt Ma cũng đều thu hút sự chú ý của Bắc Kinh.

Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, hiện sống lưu vong tại Ấn Độ. Theo hãng tin Đức DW, gần đây ông đã đến vùng núi xa xôi Ladakh của Ấn Độ, tiếp giáp với Trung Quốc trong một chuyến thăm kéo dài một tháng.

Ông được chào đón nồng nhiệt tại địa phương này. Hàng nghìn người xếp hàng dọc hai bên đường bên ngoài sân bay ở thị trấn Leh để chào đón ông.

Jigmat Paljor, một trong những sinh viên và nhà hoạt động xã hội hàng đầu của Ladakh, nói với DW: “Tây Tạng và Ladakh có quan hệ văn hóa và tôn giáo phong phú.”

“Các tín đồ Phật giáo coi ông ấy là vị lãnh tụ tinh thần của Phật giáo và là vị Phật sống của lòng từ bi. Người dân ở Ladakh vô cùng vui mừng về chuyến thăm của ông”, Paljor nói thêm.

Đây là chuyến đi đầu tiên của Đạt Lai Lạt Ma ra bên ngoài nơi sinh sống của ông ở thành phố Dharamsala, miền bắc Ấn Độ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020.

Đây cũng là lần đầu tiên ông đến Ladakh kể từ khi New Delhi tách khu vực này khỏi vùng Kashmir đang tranh chấp, loại bỏ tình trạng bán tự trị của toàn bộ lãnh thổ và nắm quyền kiểm soát trực tiếp vào năm 2019.

Động thái đó đã thu hút chỉ trích gay gắt từ Pakistan cũng như Trung Quốc. Một năm sau, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ chết người ở Ladakh. Kể từ đó, binh lính Trung Quốc và Ấn Độ đứng mặt đối mặt trong một thế trận quân sự căng thẳng dọc theo biên giới tranh chấp.

Ông Happymon Jacob, giảng viên chính sách đối ngoại tại Đại học Jawaharlal Nehru của Delhi, cho biết: “Với những khó khăn trong quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc, bất cứ điều gì mà Đức Đạt Lai Lạt Ma làm ở khu vực cụ thể đó [Ladakh] sẽ được người Ấn Độ và Trung Quốc coi là có ý nghĩa to lớn.”

Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh cho quân đội đánh chiếm Tây Tạng vào năm 1950. Bắc Kinh gọi đây là một “cuộc giải phóng hòa bình”. 9 năm sau, người Tây Tạng thực hiện một cuộc nổi dậy bất thành, Đạt Lai Lạt Ma phải chạy sang Ấn Độ và sống lưu vong tại đó đến nay.

Bình luận của Đạt Lai Lạt Ma khiến Trung Quốc khó chịu

Trước khi lên đường tới Ladakh, Đạt Lai Lạt Ma nói: “Ấn Độ và Trung Quốc là những quốc gia và láng giềng đông dân nhất. Sớm muộn gì, các bạn cũng phải giải quyết vấn đề này [tranh chấp biên giới dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế] thông qua các cuộc đàm phán và các biện pháp hòa bình.”

Ông Pravin Sawhney, một trong những chuyên gia quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ, nói rằng những bình luận trên sẽ khiến Trung Quốc khó chịu vì 3 lý do.

“Một, họ [người Trung Quốc] coi Đức Đạt Lai Lạt Ma là một người ly khai; hai, ông ấy sẽ đến một khu vực có vấn đề vì Trung Quốc không coi những thay đổi hiến pháp do Ấn Độ thực hiện ở khu vực Ladakh vào tháng 8 năm 2019 là hợp pháp; và thứ ba, Ấn Độ nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là một nhà lãnh đạo tinh thần nhưng ông ấy đã đưa ra một tuyên bố chính trị-quân sự ở Jammu”, theo ông Sawhney.

Ông Michael Kugelman, một chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Học giả Woodrow Wilson có trụ sở tại Washington, cho biết chuyến đi này không được Bắc Kinh nhìn nhận một cách tích cực.

“Bất cứ điều gì liên quan đến Đạt Lai Lạt Ma đều là chính trị, do cách nhìn nhận của Bắc Kinh đối với ông ấy. Chính phủ Trung Quốc phản đối ngay cả khi ông ấy có các cuộc gặp ngắn ngủi với các quan chức Ấn Độ, và vì vậy, ông ấy dành một tháng ở Ladakh – một khu vực nhạy cảm với Trung Quốc. Động thái đó chắc chắn sẽ không được người Trung Quốc nhìn nhận tích cực”.

Giới cầm quyền Trung Quốc coi Đức Đạt Lai Lạt Ma là một “người ly khai”. Trong khi đó, ông phủ nhận việc tìm kiếm độc lập cho Tây Tạng, mà chỉ nói rằng ông chỉ ủng hộ quyền tự trị đáng kể và bảo vệ nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng trong khu vực.