Chính quyền Trung Quốc đang tạo dựng những kênh ảnh hưởng trực tiếp đối với truyền thông thế giới, trong đó châu Phi là một ví dụ điển hình. Đây là cuộc thử nghiệm cho hoạt động tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên khắp lục địa đen, theo Tiến sĩ Monika Chansoria, thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản ở Tokyo.
Trên trang Japan Forward, tiến sĩ Chansoria đề cập đến việc Trung Quốc bị đánh giá là một trong những nước có chỉ số tự do báo chí thấp nhất thế giới. Đáng lo ngại là Bắc Kinh đang có kế hoạch xuất khẩu thực trạng đó ra khắp nơi trên thế giới.
Điều đó có “nguy cơ đe dọa tự do báo chí trên toàn thế giới”.
Kể từ năm 2014, Trung tâm Báo chí Trung Quốc-Châu Phi đã được biết đến là nơi đào tạo thường niên cho các nhà báo tại Trung Quốc. Hiện chưa rõ chính xác quy mô đào tạo, nhưng tác động của nó là rất rõ ràng.
Tại Nam Phi, Tổng công ty Truyền hình Quốc tế Trung Quốc và Quỹ Phát triển Trung Quốc-Châu Phi kết hợp sở hữu 20% cổ phần của South Africa’s Independent Media, công ty truyền thông lớn thứ hai của đất nước. Ảnh hưởng tài chính này đã dẫn đến tình trạng kiểm duyệt đối với các nhà báo.
Ví dụ: Sau khi Independent Media xuất bản một bài báo chỉ trích cách đối xử của Đảng Cộng sản Trung Quốc với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ vào năm 2018, bài báo đã bị gỡ xuống ngay lập tức. Chuyên mục đăng bài đó cũng bị hủy bỏ.
Ngoài quyền sở hữu các hãng truyền thông châu Phi, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tạo dựng được chỗ đứng toàn diện trong các nền tảng báo in, truyền hình và truyền thông trực tuyến.
Vì vậy, trên các nền tảng đó, “những ý kiến ủng hộ Trung Quốc đều được khuyến khích và lan truyền rộng rãi”, theo tiến sĩ Chansoria.
Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc – bao gồm Tân Hoa xã, CGTN và China Daily – có các văn phòng trên khắp lục địa châu Phi, có trụ sở chính tại Nairobi.
Trung Quốc cũng điều hành Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc bằng các ngôn ngữ địa phương của Châu Phi, cũng như bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
Theo tiến sĩ Chansoria, châu Phi là một ví dụ điển hình về việc nhà nước Trung Quốc theo đuổi một trật tự truyền thông thế giới mới theo mục tiêu của họ.
Bà cũng cảnh báo rằng Trung Quốc cũng đang làm điều này tại Nhật Bản, mặc dù điều đó khó khăn hơn.
“Các bài báo thân Trung Quốc ở Nhật Bản không nhận được nhiều sức hút, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không tồn tại”, bà Chansoria lưu ý.
Tiến sĩ cho biết Nhật Bản cũng là mục tiêu của bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc. Vì vậy, Nhật Bản cần thận trọng trong việc xem xét nội dung và khuyến cáo chấm dứt hợp đồng với các nội dung do Đảng Cộng sản Trung Quốc tạo ra.