Nhà ngoại giao Mỹ ở ASEAN vừa đăng hàng loạt bài viết tố cáo chính sách của Trung Quốc nhằm mục đích thống trị thế giới, trong đó có việc phá luật pháp, gây bất ổn ngoại bang.
Những bài viết của giới ngoại giao Hoa Kỳ lần này được cho là giúp người dân các nước trong khu vực ASEAN nhận rõ bản chất Trung Quốc hơn là hướng tới chính phủ sở tại. Tiêu biểu trong loạt bài này là xã luận của ông George N. Sibley, đại biện lâm thời Mỹ tại Myanmar đăng ngày 18/7 trên tờ Irrawady. Theo đó Trung Quốc đang dùng thuốc phiện như một cách để làm tiêu hao sinh lực người dân quốc gia này. Bài viết cho biết, có quá nhiều người trẻ ở Myanmar đã mất đi sinh lực vì nghiện ngập ma túy, khi mà con đường nha phiến hầu hết được đến từ vùng biên Trung Quốc. Không chỉ làm thế hệ trẻ Myanmar mất sức sống, Myanmar đã thành thị trường thuốc phiện giúp cho Trung Quốc thu được hàng tỷ đô la Mỹ.
Ngoài ra, rất nhiều người Myanmar đang bị tổn thương bởi sự hủy hoại môi trường do các dự án khai thác tài nguyên của Trung Quốc. Đồng tiền Trung Quốc đổ vào cũng làm tăng nạn tham nhũng ở quốc gia láng giềng, khiến nội bộ Myanmar suy kiệt về nhiều phương diện.
Thông điệp trên của ông George N. Sibley đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài thứ nhì, sau Singapore ở Myanmar. Chỉ trong 11 tháng của năm 2019, đầu tư từ Trung Quốc đạt con số 20 tỷ USD. Trong chuyến thăm vào Myanmar vào tháng 1/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố hai nước là “anh em cùng mẹ”.
Ngoài sự gắn kết chặt chẽ về kinh tế, Myanmar và Trung Quốc đều bị phía Mỹ và các nước phương Tây tố cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền.
Theo India Times thì Trung Quốc thể hiện ủng hộ Myanmar trong việc chính phủ, quân đội nước này đàn áp người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Cụ thể, trong cuộc gặp tháng 1 vừa qua, ông Tập đã gặp tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing. Quan chức quân đội này là một bốn lãnh đạo cao cấp Myanmar bị Hoa Kỳ trừng phạt vì “tội ác vi phạm nhân quyền”. Trong khi đó, Trung Quốc cũng bị dư luận thế giới lên án về việc bức hại người dân trong nước, như các cuộc đàn áp người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương, người Tây Tạng, duy trì cuộc bức hại kéo dà 21 năm với những người tu luyện Pháp Luân Công.