Phía Trung Quốc đã điều 8 chiến đấu cơ đến quần đảo Hoàng Sa vốn của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Từ hình ảnh vệ tinh, giới quan sát nhận ra các mẫu tiêm kích này đều thuộc dạng ‘hàng nhái’.
Dẫn các hình ảnh vệ tinh, trang BenarNews cho biết có 8 chiến cơ Trung Quốc đang đậu trên đường băng tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trong số này, có 4 chiếc máy bay thuộc dạng chiến cơ J-11B thuộc biên chế của không lực Trung Quốc. Những chiếc còn lại có vẻ như không thuộc dòng J-11B những vẫn trong nhóm “hàng nhái” từ Su-27.
Đối với không lực Trung Quốc, dòng J-11 được xem là “sản phẩm quốc nội” đáng tự hào nhưng với quốc tế, đây chỉ là bản sao chưa hoàn chỉnh từ tiêm kích của Nga. Câu chuyện Trung Quốc làm ra J-11 được báo giới nhắc lại như một bài học đầy cay đắng với Nga khi đã tham gia vào vụ hợp tác với Trung Quốc.
Theo tờ National Interest, sau một giai đoạn đặt hàng Su-27 sản xuất tại Nga, năm 1995, Trung Quốc tuyên bố không muốn mua Su-27 lắp ráp hoàn chỉnh ở nước ngoài mà muốn trả tiền để được cấp phép sản xuất loại máy bay này ở trong nước. Nga đã đồng ý với hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD cho Trung Quốc sản xuất 200 chiến đấu cơ Su-27, được tái định danh là J-11, với điều kiện phải dùng động cơ và hệ thống điện tử của Nga.
Vào năm 2004, Nga đã phải lãnh đòn trở mặt của Trung Quốc, khi bản hợp đồng mới thực hiện được một nửa. Sau khi lắp ráp xong 100 chiếc đầu tiên, Trung Quốc tuyên bố hủy hợp đồng 100 chiếc còn lại với lý do Su-27 không còn đáp ứng nhu cầu của họ về khả năng mang các vũ khí dẫn đường chính xác.
Có được nền tảng công nghệ, 3 năm sau, Trung Quốc tuyên bố Tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương đang sản xuất tiêm kích J-11B. Dù vậy, giới quân sự dễ dàng nhận ra hai mẫu máy bay có bộ khung gần như giống hệt nhau.
Sau vụ này, Nga tức giận và tuyên bố kiện Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi không thanh toán toàn bộ hợp đồng và làm nhái Su-27. Chỉ đến sau này, khi Trung Quốc trở thành đối tác chiếm tới 40% doanh số bán vũ khí quân sự Nga những năm đầu thế kỷ 21, phía Nga mới tạm gác lại vấn đề.
Theo chuyên gia quân sự Sebastien Roblin, dù cố gắng áp dụng nhiều công nghệ tối tân trong quá trình cải tiến J-11B, nhưng dòng máy bay này của Trung Quốc vẫn lộ những “tử huyệt”. Đó là việc sử dụng động cơ phản lực nội địa WS-10A Taihang, được cho là cần phải kiểm tra lại sau mỗi 30 giờ bay nếu so với 400 giờ bay của động cơ AL-31F ban đầu trên tiêm kích Su-27 Nga. Sau nhiều quá trình thử nghiệm bất thành, đến nay nhiều chiếc J-11B lại phải lắp lại động cơ AL-31F của Nga.
Một điểm yếu khác của J-11B là phần về ra đa. Muốn biến J-11 thành hàng nội địa chất lượng cao, radar của J-11 được cải tiến có thể theo dõi đồng thời 10 mục tiêu.
Tuy nhiên, khi chọn 1 mục tiêu trong số 10 mục tiêu theo dõi để tấn công, radar nguyên bản sẽ mất tất cả 9 mục tiêu theo dõi còn lại, và phải khởi động lại một quá trình theo dõi khác sau khi tấn công. Thiết bị điều khiển bay được trang bị tổng cộng 2 màn hình hiển thị.
Cho dù được bổ sung thêm khả năng tấn công cường kích, J-11 vẫn không có khả năng cường kích đầy đủ như các mẫu máy bay chiến đấu mới, vì sự hạn chế của radar, các tên lửa không đối đất dẫn hướng bằng radar không thể lắp đặt trên máy bay này.
Dù bị quốc tế đánh giá J-11 là biểu tượng cho “sự xấu hổ khi ăn cắp công nghệ”, phía Trung Quốc vẫn coi nó là sản phẩm đáng tự hào. Trong quá khứ, vào năm 2016, Trung Quốc triển khai 16 tiêm kích J-11 ra đảo Phú Lâm để dọa Việt Nam. Thời điểm đó, tờ báo Sina của Trung Quốc tuyên bố rằng, đội hình J-11 của họ giăng ra Biển Đông cũng đủ khiến Việt Nam “toát mồ hôi lạnh”.