Bộ Giáo dục tự tin khi nói đề Văn được đoán trúng là do ngẫu nhiên, dè dặt hơn khi nói đến nghi vấn đề thi Toán bị lộ.

Công an đang xác minh tin lộ đề Toán

Chiều 7/7, mạng xã hội xuất hiện bài viết cung cấp thông tin rằng, thí sinh đang trong giờ làm bài nhưng vẫn chụp ảnh đề Toán đăng lên mạng nhờ mọi người giải hộ.

“Thời gian đăng tải là 15h28, tức là còn khoảng 30 phút nữa là mới hết giờ”, trích bài đăng.

Nhiều người nghi đề Toán lại bị lọt ra như hồi năm 2021.

Zing dẫn lời một quan chức Bộ Giáo dục nói, công an đang xác minh thông tin này.

Vị này cũng nói thêm, thông tin lộ đề Văn là không có cơ sở. Những tác phẩm văn học trong chương trình học và sách giáo khoa rất ít, khoảng 4-5 tác phẩm. Việc một số người nói trúng tên tác phẩm chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.

Cựu Chủ tịch TP. HCM bị cảnh cáo

Cảnh cáo là mức kỷ luật ông Nguyễn Thành Phong, Phó ban Kinh tế Trung ương, cựu Chủ tịch TP HCM vừa phải nhận. Quyết định cảnh cáo ông Phong được đưa ra sau cuộc họp có ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì.

chủ tịch
Cựu Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong (ảnh chụp màn hình trên báo Tuổi Trẻ).

Vi phạm của ông Phong xảy ra khi ông làm Chủ tịch TP. HCM; mức độ là “đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản nhà nước”.

Với việc bị kỷ luật cảnh cáo, nhưng không thấy bị nêu cách các chức vụ, chưa thể khẳng định ông Phong có bị truy tố vì các sai phạm hay không?

Khắc lại 25.000 bia mộ ở Quảng Trị

Tỉnh Quảng Trị cho biết, có 24.720 bia mộ liệt sĩ, trong đó có 20.501 bia mộ đang ghi “Mộ liệt sĩ chưa biết tên” hoặc “Mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính”. Những bia mộ này sẽ phải khắc lại thành “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo Thông tư của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Để hoàn thành việc này, Quảng Trị đề nghị Bộ Lao động cấp kinh phí cho tỉnh khoảng 13,8 tỷ đồng (mức 650.000 đồng/mộ).

Một tỉnh miền Trung khác là Quảng Nam cho biết đã thay đổi tên hơn 20.000 bia mộ “liệt sĩ vô danh” thành “liệt sĩ chưa xác định được thông tin” trong giai đoạn từ năm 2016-2019. Số tiền làm việc này khoảng 6 tỷ đồng.

Cận vệ làm gì lúc ông Abe bị bắn?

VnExpress cho biết, trước khi ông Abe bị bắn, đám đông lớn vây quanh cựu thủ tướng Nhật ở khoảng cách gần, trong khi đội cận vệ của ông chỉ có vài người. Họ là các thành viên lực lượng Cảnh sát An ninh, thuộc Sở Cảnh sát Tokyo, chuyên bảo vệ yếu nhân ở nước này.

Tuy nhiên, họ không có bất cứ động thái nào nhằm đảm bảo khoảng cách giữa ông Abe và đám đông. Nhờ thế, Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, cựu quân nhân thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, đã cầm theo khẩu súng hai nòng tự chế trà trộn vào đám đông, tiếp cận ông Abe ở khoảng cách 5 m trước khi ra tay.

Ông Abe được đưa khỏi hiện trường vụ nổ súng ngày 8/7 (ảnh chụp màn hình Reuters).

Khi Yamagami nổ phát súng đầu tiên, các cận vệ xung quanh ông Abe gần như không có phản ứng gì. Trong lúc họ đang tìm cách xác định điều gì đang diễn ra, nghi phạm bắn phát thứ hai, khiến ông Abe gục xuống.

Đến lúc này, các cận vệ mới lao vào khống chế nghi phạm bằng tay không. Họ mang súng bên hông, nhưng không rút ra. Trong nhóm cận vệ bảo vệ ông Abe có ít nhất một người trang bị khiên chống đạn, nhưng không triển khai.

Vụ tấn công Shinzo Abe: An ninh cho giới lãnh đạo quá lỏng lẻo?

Công chúng Nhật Bản đang bàn luận về vấn đề đảm bảo an ninh cho các nhân vật cấp cao, sau khi cựu Thủ tướng Abe bị bắn ở cự ly gần. “Bất cứ ai cũng có thể bắn trúng ông ấy từ khoảng cách đó”, ông Masazumi Nakajima, một cựu thám tử cảnh sát Nhật Bản cho biết. Tại Nhật Bản, các chính trị gia thường đứng trên phố vận động tranh cử và rất có rất ít nhân viên bảo vệ. “Bạn không bao giờ có bất kỳ cảm giác bất an, nguy hiểm hoặc bất cứ điều gì tương tự”, theo ông Paul Nadeau, người từng tham gia các sự kiện tranh cử với ông Abe trong quá khứ. (Bài chi tiết)

Ngày càng nhiều thanh niên Nga trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Theo Reuters, các luật sư và các nhà nhân quyền cho biết ngày càng có nhiều nam thanh niên Nga tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự, kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin mở cuộc xâm lược Ukraine.

Một số nam thanh niên rời khỏi đất nước, trong khi những người khác đang tìm kiếm lời khuyên để được miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Hoặc một số người chỉ đơn giản là phớt lờ lệnh triệu tập quân sự và hy vọng chính quyền không truy đuổi họ.

Tại Nga, nam thanh niên ở độ tuổi 18 đến 27 phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong vòng 1 năm. Những người trốn tránh nghĩa vụ quân sự có nguy cơ bị phạt tiền hoặc án tù lên đến 2 năm.

Có thể bạn quan tâm: