Đấu giá biển số xe đẹp dự kiến mang lại nhiều nguồn thu, nhưng tiền sẽ được đưa về đâu? Thủ đô Trung Quốc báo động vì Covid.
Dưới đây là các tin chi tiết:
Nội dung chính
30 năm “tiến, lùi”, Bộ Công an lại đề xuất đấu giá biển số xe ô tô
Bộ Công An vừa có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm đấu giá cấp biển số ô tô đẹp. Trường hợp người sở hữu bán xe thì có thể giữ lại biển.
Theo VnExpress, ý tưởng đấu giá biển số xe đã được đề xuất và thí điểm từ gần 30 năm trước; nhưng vấp phải một số khó khăn. Ví dụ: Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá. Hơn nữa, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn chưa coi biển số xe là tài sản; mà coi đó “là tài liệu của cơ quan nhà nước”. Hơn nữa, luật còn có quy định “cấm mua, bán biển số xe”.
Theo dự thảo mới của Bộ Công, thì tiền đấu giá biển số xe ô tô sẽ được đưa về đâu? PLO đưa tin, Bộ Công an cho biết Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 chưa quy định về việc sử dụng tiền thu được từ đấu giá biển số.
Bộ Công an cho rằng tiền thu được từ đấu giá biển số là cần phân bổ hợp lý giữa trung ương và địa phương, để đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Do vậy, dự thảo của Bộ Công an đề xuất: Sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá, thì sẽ phân chia số tiền theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương.
Ùn tắc kéo dài vì nhân viên cắt cỏ làm đứt cáp quang tại Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng
Theo báo Lao Động, vào khoảng 10 giờ 30 ngày 24/4, công nhân vệ sinh của Vidifi (Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam) đã vô ý để lưỡi máy cắt cỏ làm đứt tuyến cáp quang cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đoạn qua huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Đại diện Vidifi cho biết, hệ thống dây cáp chạy ngầm, nhưng có thể đất bị sụt lún, nên dây cáp lộ trên mặt đất.
Đây là tuyến cáp quang nội bộ do Vidifi đầu tư để truyền dữ liệu giữa các trạm thu phí, từ đó tính toán mức phí đối với xe dán thẻ không dừng.
Việc đứt cáp quang khiến dữ liệu dịch vụ thu ví không dừng (ETC) bị đóng. Tình trạng ùn ứ kéo dài 2-3 km trước mỗi trạm thu phí. Các xe di chuyển chậm vì phải dừng lại trả tiền mặt.
Bé trai 4 tuổi bị xe tông khi theo mẹ bán vé số
Theo PLO, chị Võ Thị Diễm Thúy (32 tuổi), hôm 24/4 cho biết con trai chị là THĐ (4 tuổi) vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1, TP.HCM).
Bé bị xe máy tông trúng vào lúc hơn 1 giờ sáng 23/4, khi theo mẹ bán vé số tại giao lộ đường Song hành quốc lộ 22 và đường Tân Xuân 5 (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn).
Khi đó, bé Đ thấy cửa hàng đối diện đang tổ chức sinh nhật. Một người đàn ông giẫm vỡ các bóng bay, tạo thành tiếng nổ. “Bé muốn chạy qua để nhặt một bóng bay chơi”, chị Thúy cho biết.
Lúc bé băng qua đường, người mẹ phát hiện, hét lên. Bé Đ dừng lại, đúng lúc đó một chiếc xe máy hiệu Exciter lao tới tông trúng bé.
Cú tông cực mạnh khiến bé trai văng nhiều mét lên trên vỉa hè. Hai thanh niên đi xe máy cũng bị ngã ra đường, xe máy va chạm với mặt đường đến mức tóe lửa.
Khi ở bệnh viện, chị Thúy cho biết bé Đ không kêu đau, mà chỉ nói “mẹ ơi! Con chỉ muốn về nhà ngủ”.
Hoàn cảnh gia đình bé Đ rất khó khăn. Gia đình bé hi vọng những người có liên quan đến vụ tai nạn sẽ hỗ trợ gia đình.
Tổng thống Pháp Macron tái đắc cử
Hãng thông tấn France24 đưa tin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được bầu cho nhiệm kỳ thứ hai, dự kiến với 58,2% lá phiếu, theo ước tính từ viện bỏ phiếu Ipsos.
Bà Le Pen được dự đoán giành được 41,8% số phiếu.
Các nhà lãnh đạo EU đã nhanh chóng chúc mừng chiến thắng của ông Macron, theo Al Jazeera. Theo giới quan sát, có 3 lý do khiến EU không muốn bà Le Pen giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này.
Phát biểu sau khi đắc cử, ông Macron cam kết sẽ “không bỏ lại ai phía sau”. Kết quả bầu cử cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 27/4 tới.
Thủ đô của Trung Quốc báo động vì dịch Covid-19
Theo SCMP, Bắc Kinh đang bị đưa vào tình trạng báo động cao vì bùng phát Covid-19. Thành phố này dự kiến sẽ xét nghiệm đối với một số khu vực, sau khi có thêm 15 ca mới trong cộng đồng vào ngày 23/4.
Trung Quốc vẫn theo đuổi mục tiêu zero covid (nghĩa là không có ca nhiễm nào), mặc dù điều đó gây tổn hại lớn đến nền kinh tế và các hoạt động sản xuất, giao thương. Phần lớn các nước đều đã chuyển sang chính sách “sống chung với dịch”.