CĐV Indonesia quá khích căng băng rôn và có lời lẽ thô tục bên ngoài sân tập của U19 Việt Nam để trả đũa việc đội nhà bị loại khỏi bán kết giải Đông Nam Á.

Chủ nhà phản đối từ đa phương diện

Sự việc diễn ra vào chiều 11/7, khi U19 Việt Nam được ban tổ chức khuyến cáo không nên ra sân tập để tránh mối đe dọa từ các CĐV quá khích của chủ nhà Indonesia.

Theo VTC, do U19 Indonesia bị loại ở vòng bảng, nên nhiều CĐV bày tỏ sự phẫn nộ với cả U19 Việt Nam và U19 Thái Lan – những đại diện giành vé đi tiếp ở bảng A.

Dù vậy, ông Đinh Thế Nam và học trò vẫn ra sân tập theo đúng kế hoạch.

U19 Việt Nam tập luyện cho trận bán kết gặp Malaysia hôm 13/7 tới (ảnh: VFF).
U19 Việt Nam tập luyện cho trận bán kết gặp Malaysia hôm 13/7 tới (ảnh: VFF).

Phía chủ nhà cũng phản đối U19 Việt Nam từ nhiều phương diện. Trong ngày 11/7, lãnh đạo LĐBĐ Indonesia gửi thư lên AFF yêu cầu điều tra trận U19 Việt Nam – U19 Thái Lan đến cùng. Có nguồn tin cho biết, chủ nhà còn yêu cầu loại U19 Việt Nam khỏi giải.

Một số nhóm CĐV Indonesia cũng trút giận bằng cách lên làm loạn tại các diễn đàn bóng đá khu vực Đông Nam Á.

Giải U19 Đông Nam Á năm nay, dù tổ chức để các cầu thủ trẻ học hỏi và tiến bộ, đang để lại quá nhiều sạn. Trong đó, có việc các đội đặt nặng thành tích với cầu thủ và sự sân si, tranh đấu quá mức của chủ nhà.

Tượng đài cảnh sát giao thông ở Hà Nội

Tượng đài CSGT và PCCC đang được xây dựng tại công viên Thống Nhất (Hà Nội). Phía chủ quản nói, muốn hoàn thành tượng đài này trước 20/7.

Những ngày qua, xoay quanh tượng đài này có nhiều ý kiến trái chiều. Một số tờ báo cũng đăng ý kiến của chuyên gia, người dân về chủ đề này.

Một góc tượng đài CSGT - CS PCCC ở Hà Nội (ảnh chụp màn hình báo Dân Việt).
Một góc tượng đài CSGT – CS PCCC ở Hà Nội (ảnh chụp màn hình báo Dân Việt).

Báo Giao thông có bài: “Tượng đài Cảnh sát giao thông và PCCC ở công viên Thống Nhất gây tranh cãi”; Báo Dân Việt có phóng sự ảnh cận cảnh công trình; Báo Dân Trí có bài viết tiêu đề “Dựng tượng đài CSGT và PCCC: Quan trọng là lòng dân có tượng đài hay không!” – nhưng hiện nội dung bài này đã không còn được xuất hiện.

Cần bơm bê tông gãy sập xuống giàn giáo

Sự việc xảy ra khoảng 16h45 ngày 11/7 tại dự án phố đi bộ ở ngã tư Trần Đăng Ninh – Nguyễn Lộ Trạch (quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Khi đó, xe đổ bê tông của Công ty Đăng Hải khi đang đổ bê tông tầng 3 thì bị gãy cần bơm.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ

Cần bơm bê tông đập xuống nhóm công nhân đang thi công bên dưới khiến 1 người tử vong tại chỗ và nhóm công nhân gần 10 người bị thương (trong đó có 3 người bị thương rất nặng) (chi tiết xem thêm trên Tuổi Trẻ).

Mỹ tiếp tục gia hạn điều tra với ống thép nhập khẩu từ Việt Nam

Tin từ TTX VN, các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Vì vậy, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp tục gia điều tra với ống thép nhập khẩu từ Việt Nam đến ngày 28/7/2022.

Hà Lan xin lỗi về vụ thảm sát Srebrenica

Giới chức Hà Lan hôm 11/7 đã đưa ra “lời xin lỗi sâu sắc nhất” về vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình Hà Lan trong thảm họa diệt chủng Srebrenic, với khoảng 8.000 người Hồi giáo Bosniak bị tàn sát bởi lực lượng Serb của Bosnia 27 năm trước.

“Chỉ có một bên phải chịu trách nhiệm cho cuộc diệt chủng khủng khiếp này. Đó là quân đội Bosnia Serb”, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren phát biểu trong chuyến thăm Bosnia và Herzegovina để tưởng niệm nạn nhân.

“Nhưng hãy để tôi nói rõ: Cộng đồng quốc tế đã không bảo vệ đúng mức người dân Srebrenica. Là một phần của cộng đồng đó, chính phủ Hà Lan chia sẻ trách nhiệm về tình huống xảy ra thất bại đó. Và vì điều này, chúng tôi xin gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất”, Bộ trưởng Ollongren nói và đặt tay lên trái tim mình.

Theo Al Jazeera, đây là lần đầu tiên chính phủ Hà Lan xin lỗi người thân của các nạn nhân trong vụ thảm sát.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sắp thảo luận về Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sắp gặp nhau để thảo luận về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, theo Nikkei.

Ukraine được coi là “vựa lúa mỳ” của thế giới, nhưng hoạt động xuất khẩu lương thực bị gián đoạn vì chiến tranh, từ đó làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian giữa Moscow và Kyiv kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2. Cuộc hội đàm cuối cùng giữa đại diện của Nga và Ukraine đã được tổ chức tại Istanbul vào cuối tháng 3.