Ngay truyền thông Ukraine cũng cho thấy việc Nga không có động cơ phá hủy con đập, trong khi hậu quả lũ lụt hiện giờ lại đang gây khó khăn cho chính người Nga. 

AI ĐÃ PHÁ HỦY ĐẬP KAKHOVKA

Hình ảnh và video xuất hiện tràn ngập trên truyền thông và mạng xã hội cho thấy một con đập lớn và nhà máy thủy điện ở khu vực Kherson do Nga kiểm soát ở miền nam Ukraine đã bị phá hủy một cách chủ ý vào nửa đêm rạng sáng thứ 3, ngày 6/6. 

Nước chảy qua đập tràn vào sông Dnieper, nơi ngăn cách lực lượng Ukraine và Nga. Cả hai bên cáo buộc lẫn nhau về vụ tấn công khiến hàng chục nghìn ngôi nhà gặp nguy hiểm và thậm chí có thể đe dọa đến sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu là Zaporozhie. 

Tổng thống Zelenskiy đổ lỗi cho Nga về thiệt hại. Ông tweet như sau: “Việc đập thủy điện Kakhovka bị phá hủy chỉ khẳng định với toàn thế giới rằng họ [người Nga] phải bị trục xuất khỏi mọi ngóc ngách trên đất Ukraine. Không nên để lại một mét nào cho họ, bởi vì họ sử dụng từng mét để khủng bố. Chỉ có chiến thắng của Ukraine mới mang lại an ninh…” 

Theo NBC, Tổng thống Zelensky cảnh báo 80 khu định cư ở khu vực phía nam Kherson đang nằm trong vùng lũ lụt, và chính quyền của ông đang “làm mọi thứ để cứu người. Tất cả các dịch vụ, quân đội, Chính phủ, Văn phòng đều tham gia”, 

Trong khi đó, phía Nga phủ nhận tấn công con đập này. Người đứng đầu chính quyền Kherson do Nga bổ nhiệm là Vladimir Saldo cáo buộc chính quyền Kiev đứng sau vụ tấn công. 

Ông này nói: “Sự tàn phá dẫn đến một lượng nước lớn nhưng không quan trọng chảy xuống sông Dnieper. Nó sẽ không ngăn cản quân đội của chúng tôi bảo vệ tả ngạn”. Ông cáo buộc Kiev thực hiện vụ tấn công để “đánh lạc hướng sự chú ý” khỏi các cuộc phản công thất bại.” 

Tờ Washington Post tiết lộ hình ảnh vệ tinh về thiệt hại của con đập.  Truyền thông dòng chính phương Tây đã nhanh chóng cáo buộc rằng đây là một tội ác chiến tranh và phần nhiều đổ lỗi cho Nga. 

Tuy nhiên các cáo buộc này trở nên vô nghĩa bởi những gì bị thiệt hại là Kherson, lãnh thổ do phía Nga đang kiểm soát. Ngay cả khi người Nga chỉ kiểm soát một phần lãnh thổ thì nhà máy thủy điện Kakhovka không chỉ là nguồn cung cấp nước cho Kherson mà cho cả Crimea. Lũ lụt cũng đang phá hủy các công sự phòng thủ và mìn do Nga gài. Vì vậy những lập luận của Tổng thống Zelensky đổ lỗi cho phía Nga kích nổ đập càng trở nên phi lý.

Vậy ai là thủ phạm phá hủy đập? Trước khi phân tích sâu vào luận điểm này, trong video xuất bản vào tháng 10 năm ngoái, chúng tôi đã đề cập đến việc tướng Sergei Surovikin hé lộ rằng, chính quyền Kiev đang chuẩn bị một cuộc tấn công tên lửa lớn vào con đập của nhà máy thủy điện Kakhovskaya, đã khiến Nga phải thực hiện một động thái tiêu cực về mặt biểu tượng lúc đó là buộc phải rút quân khỏi Kherson. Việc rút quân này đã khiến chính quyền Kiev và truyền thông phương Tây cho rằng đây là một thất bại xấu hổ của người Nga. 

Người Nga cũng đã khẩn cấp sơ tán người dân ra khỏi vùng này và chính truyền thông dòng chính Mỹ là tờ AA hôm 20/10/2022 đã viết như sau: Theo chính quyền địa phương do Nga bầu nhiệm, có tới 60.000 cư dân của khu vực Kherson của Ukraine, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, sẽ được sơ tán trong vòng một tuần giữa lúc Kiev pháo kích.”  Vladimir Saldo, người được Tổng thống Nga Vladimir Putin bổ nhiệm làm người đứng đầu khu vực ven biển phía nam cho biết , … quá trình sơ tán… đã được đẩy nhanh do nguy cơ lũ lụt có thể xảy ra nếu quân đội Ukraine tấn công Nhà máy Thủy điện Kakhovskaya”.

Có thể nói, lập luận của Ukraine đổ lỗi cho người Nga có khá nhiều tình tiết phi logic. Chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại nổi tiếng người Mỹ là Clint Ehrlich cũng tweet như sau: “Trước khi đập Kakhovka bị nổ tung, các nhà phân tích phương Tây *thừa nhận* Ukraine có động cơ chứ không phải là người Nga. Và bây giờ họ đang cố gắng xóa những sự thật này khỏi internet. Họ phải giả vờ rằng tội ác chiến tranh là do Putin ra lệnh chứ không phải Zelensky”.

Ngay cả truyền thông Ukraine cũng đặt dấu hỏi như sau: Matxcova tuyên bố rằng Kiev bị cáo buộc đã bắn một quả pháo kích đặc biệt vào con đập nhằm làm gián đoạn cuộc phản công của Nga thông qua sông Dnieper. 

Ukraine phản đối rằng… thực tế không thể phá hủy con đập từ xa bằng pháo kích và con đập đã không sụp đổ khi pháo binh MLRS Ukraine tấn công nó vào mùa thu năm 2022.

Cũng có lập luận rằng Nga đang chuẩn bị một cuộc phản công trên khắp Dnieper là khó tin vào lúc này – không có thông tin nào về điều này trước đây. Nhưng đồng thời, người ta đã đề cập đến rất nhiều về kế hoạch phản công qua sông của Ukraine.”

Thêm một lưu ý là, hữu ngạn nằm phía tây của sông Dnepr hiện do Ukraine nắm giữ, còn tả ngạn ở phía đông hiện do người Nga kiểm soát. Trong khi đó ở tả ngạn, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn do có địa lý thấp hơn hữu ngạn.

Về động cơ của Nga trong việc phá hoại con đập, truyền thông Ukraine cũng đưa ra những nghi vấn cho thấy Nga không có lợi ích gì khi tự tay hủy diệt nguồn nước cung cấp cho vùng lãnh thổ do họ đang kiểm soát, đặc biệt khi phía Ukraine không có đủ khả năng để vượt sông tấn công vào tuyến phòng thủ tại tả ngạn của người Nga. 

Truyền thông Ukraine nhận định như sau: “ [Vụ nổ con đập khiến] Nga đang bị mất nguồn nước [cung cấp] cho Crimea… Ngoài ra, các vùng đất do Nga kiểm soát và tuyên bố là “của riêng mình” cũng đang bị thiệt hại nghiêm trọng. 

Ngoài ra, cuộc phản công của Ukraine ở khu vực Kherson thậm chí còn ít xảy ra hơn. Đối với Ukraine sẽ là quá mạo hiểm nếu vượt qua sông Dnepr với lực lượng cơ giới lớn – kể cả khi băng qua các hòn đảo lớn gần Kherson, nơi có địa hình gồ ghề và đầm lầy. 

…Phía Nga có cơ hội cao để đẩy lùi chúng – mà không gây ra thảm họa nhân đạo và môi trường cho các lãnh thổ “của chính mình”. Và bên cạnh đó, lũ lụt đã cuốn trôi các vị trí [phòng thủ] của quân đội Nga ở tả ngạn mà họ đã chuẩn bị hơn sáu tháng qua”.

Như vậy có thể thấy, chính truyền thông Ukraine cũng cho thấy việc Nga không có động cơ phá hủy con đập, trong khi hậu quả lũ lụt hiện giờ lại đang gây khó khăn cho chính người Nga. 

Ngoài ra cần lưu ý thêm một dữ kiện nữa là, chỉ một ngày sau khi cuộc phản công của Ukraine thất bại với tổn thất quá nặng nề trên chiến trường, thì con đập lớn ở vùng Kherson do Nga kiểm soát bất ngờ bị nổ tung. Đây không phải là sự kiện ngẫu nhiên. 

Giờ chúng ta cùng đi sâu phân tích xem ai là thủ phạm đã gây ra vụ nổ đập kinh hoàng này.

“PHƯƠNG SÁCH CUỐI CÙNG” CỦA KIEV: CHO NỔ TUNG ĐẬP KAKHOVKA 

Việc đập Kakhovka bị phá hủy một phần vào sáng sớm hôm qua đã chứng kiến ​​màn cáo buộc lẫn nhau giữa Nga và Ukraine về việc ai là người chịu trách nhiệm cho sự cố này. Nhưng có vẻ như phía Ukraine có động cơ khi vào năm ngoái, chính một vị tướng Ukraine đã công khai thảo luận về kế hoạch cho nổ tung con đập này.

Còn nhớ vào tháng 12 năm ngoái, tờ Washington Post đã đăng bài viết với tiêu đề Bên trong cuộc phản công của Ukraine khiến Putin bị sốc và định hình lại cuộc chiến”. Tờ này dẫn lời Thiếu tướng Ukraine Andrey Kovalchuk khi ông này thừa nhận đã lên kế hoạch cho tội ác chiến tranh này. 

Washington Post có đoạn như sau: “Tướng Kovalchuk đã coi trọng việc làm ngập lụt sông. Người Ukraine thậm chí đã tiến hành một cuộc tấn công thử nghiệm bằng pháo phóng loạt HIMARS vào một trong những cửa xả lũ ở đập Nova Kakhovka, tạo ra ba lỗ trên kim loại để xem liệu nước của sông Dnepr có thể dâng lên đủ để cản trở các giao lộ của Nga nhưng không gây ngập lụt làng mạc gần đó hay không. Tướng Kovalchuk cho biết cuộc thử nghiệm đã thành công nhưng bước này vẫn là phương án cuối cùng. Ông ấy đã dừng lại.”

Quay trở lại thời điểm này, khi giai đoạn đầu của cuộc phản công của Kiev đã hoàn toàn thất bại với việc tổn thất hơn 1.500  quân chỉ trong 2 ngày qua, thì liệu nhận xét của vị tướng Ukraine cách đây 6 tháng,  rằng biện pháp tấn công vào đập Kakhovka sẽ là “phương sách cuối cùng” một khi Kiev thất bại quân sự liệu có ngẫu nhiên?

Điều này cũng giống hệt như việc chính quyền Kiev đã phát động một cuộc đột kích vào vùng Belgory của Nga vào cuối tháng 5 để đánh lạc hướng khỏi  thất bại tại mặt trận Bakhmut. 

Cũng tại thời điểm xảy ra vụ nổ đập Kakhovka, phía Ukraine tiếp tục hứng chịu những tổn thất trên tiền tuyến. Các binh sĩ Ukraine đã vội vã rời khỏi lãnh thổ của các đảo gần Kherson. Cần lưu ý rằng quyết định rời khỏi quần đảo được đưa ra sau khi các vị trí của Ukraine bị ngập lụt do vụ nổ nhà máy thủy điện Kakhovka. Tuy nhiên, cuộc rút lui của Lực lượng Ukraine đã bị cản trở bởi các cuộc tấn công liên tục của UAV và hỏa lực pháo binh Nga. Ngay cả khi một nhóm thoát khỏi đòn tấn công của Nga, những chiếc thuyền chở số binh sĩ này đã bị dòng nước lũ cuốn đi

Trong khi ấy trên hướng Zaporozhye, quân đội Nga đã tấn công một cứ điểm của Ukraine ở khu vực Stepovoe, một trạm tác chiến điện tử cũng như một điểm triển khai quân tạm thời của Ukraine ở khu vực Novoandreevka. Lực lượng Nga cũng đã phá hủy thiết bị của Ukraine bằng các cuộc tấn công chính xác UAV.

Trong bối cảnh giai đoạn phản công đầu tiên thất bại có nguy cơ phá hỏng toàn bộ chiến dịch tấn công của Ukraine, và khi không có khả năng tái chiếm lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, phải chăng chính quyền Kiev đã sử dụng “phương sách cuối cùng” là phá hủy đập Kovalchuk nhằm cứu vãn tình thế? 

Lưu ý là Nga đã có nhiều tháng để xây dựng các công trình phòng thủ khác nhau và lực lượng Ukraine khó có thể chọc thủng phòng tuyến này trong bối cảnh cạn kiệt cả nhân lực và thiết bị. 

Do đó việc phá hủy đập Kakhovka vào sáng sớm hôm 6/6 có thể diễn chính xác như những gì thiếu tướng Ukraine Kovalchuk đã chứng minh vào tháng 12 năm ngoái với tờ Washington Post, với mục đích nhằm trì hoãn thất bại của Kiev.