Tiền bạc không phải là thứ toàn năng, nhưng trong cuộc sống thực tế, có những lúc nó lại là thước đo dùng để đánh giá phẩm chất một người.
Phản ứng của con người khi đối mặt với tiền bạc là chân thực nhất; thái độ với tiền khó mà giấu giếm được.
“Phép thử” vay – trả tiền bạc
Nếu vay tiền là phép thử lòng người, thì trả tiền là thước đo giá trị nhân cách của một người. Thế mới nói, cho vay tiền, là cho vay một mối quan hệ. Không lấy lại được tiền, tức là bạn cũng mất luôn một mối quan hệ với người khác.
Việc sòng phẳng vay – trả cho chúng ta thấy được giá trị nhân cách của người đó; không lợi dụng, không quên ơn người đã từng giúp đỡ mình trong lúc rơi vào những hoàn cảnh khó khăn.
Tiền có vay, có trả; tình có cho, có nhận; đó chính là một quy luật tất yếu trong cuộc sống của chúng ta. Nếu một người sòng phẳng trả – vay rõ ràng; tức là họ không bán rẻ lương tâm của chính mình; điều đó có thể thấy rằng, họ giữ được uy tín của bản thân và luôn giữ được mối quan hệ tốt đẹp với người khác.
Ngược lại, kẻ có vay mà không có trả, chẳng khác nào người ấy lấy oán trả ơn, khiến mối quan hệ rạn nứt; giá trị đạo đức của người ấy cũng chỉ còn là con số 0.
Tiền bạc càng rõ ràng, mối quan hệ càng bền chặt
Quan điểm của nhiều người luôn cho rằng trong một mối quan hệ bạn bè, cứ nói đến tiền để làm gì, sẽ khiến tình cảm hai bên bị tổn thương. Nhưng thực ra không phải vậy. Càng thẳng thắn, rõ ràng về tiền bạc, cả hai phía sẽ càng có thêm lòng tin vững chắc, để tránh bị tổn thương sau này.
Lẽ đơn giản, tiền bạc là thứ vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta; vậy làm sao để tách rời nó khỏi các mối quan hệ cho được? Vậy nên, cố ý không nói về tiền chỉ là ngụy trang vỏ bọc đường hoàng mà thôi; đôi khi nhiều người ái ngại đề cập đến tiền bạc với nhau, từ sự cả nể.
Chỉ khi nào hai bên cùng rõ ràng về tiền bạc thì mới có thể xây dựng mối quan hệ càng ngày càng bền chặt. Chúng ta hãy nhớ rằng tiền bạc có thể tạo ra hạnh phúc, nhưng cũng có thể phá vỡ hạnh phúc đó một cách nhanh chóng.
Trong gia đình, vợ chồng nên rõ ràng về tiền bạc. Trong mối quan hệ làm ăn, lại càng cần phải rành mạch hơn nữa, dứt khoát về tiền. Với bạn bè, họ hàng cũng như vậy; sòng phẳng tiền bạc cũng là cách để hai phía tin tưởng nhau, không phải dè chừng, e ngại.
Tiền bạc có thể làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực
Một cách rất tự nhiên, tiền bạc gây ra sự nghi kỵ, sự so sánh ngầm giữa các cá nhân với nhau.
Khi một người nảy sinh tâm lý rằng bản thân mình kém cỏi hơn so với bạn bè vì không có nhiều tiền bằng họ, thì mối quan hệ giữa cả hai sẽ tự nhiên thay đổi.
Kể cả người ấy không coi trọng tiền bạc, thì thước đo vô hình này cũng sẽ khiến con người tự tạo ra khoảng cách giữa mình với người khác; tạo cảm giác “lệch pha” so với những người giàu có hơn, đẳng cấp hơn trong xã hội; dù trên danh nghĩa vẫn là bạn, là họ hàng thân thích.
Thế nên, để tránh những cảm xúc tiêu cực phát sinh, đừng đề cao giá trị tiền bạc trước mặt người khác đặc biệt là người không có tài chính bằng mình khi xây dựng mối quan hệ. Nếu không, đối phương không nhìn vào bạn, mà lại nhìn vào đồng tiền của bạn, để thiết lập mối quan hệ này.
Có thể bạn quan tâm:
- 5 kiểu lòng tốt sẽ hủy hoại danh tiếng của mình mà bạn không hay biết
- Học được 12 quy tắc kiếm tiền của người Do Thái, bạn sẽ thành công
- Học cách tư duy của người Do Thái bạn sẽ trở thành người xuất chúng