Một thực tập sinh người Việt Nam hôm 17/1 cho biết mình đã bị các đồng nghiệp Nhật Bản bắt nạt và bạo hành trong khoảng 2 năm.

Theo Kydo News, thực tập sinh này là một người đàn ông hiện 41 tuổi.

Trong cuộc họp báo ở thành phố Okayama, phía tây của Nhật Bản hôm 17/1, người đàn ông nói rằng mình đã phải hứng chịu nhiều vết thương do các đồng nghiệp bạo hành. Ông yêu cầu công ty xây dựng mà ông làm việc với tư cách thực tập sinh phải xin lỗi và bồi thường.

Ông nói rằng ông bắt đầu bị bạo hành từ khoảng một tháng sau khi đến làm việc tại công ty. Ông đến Nhật vào khoảng mùa thu năm 2019.

Trong cuộc họp báo với đại diện đến từ liên đoàn lao động Fukuyama Union Tanpopo, người đàn ông Việt Nam cung cấp một đoạn video ghi lại cảnh bạo hành.

Video cho thấy người đàn ông Việt Nam bị đánh vào đầu bằng một vật giống cây chổi, trong khi ông làm việc trên một chiếc xe tải.

Người đàn ông bên phải là thực tập sinh Việt Nam, bị một đồng nghiệp Nhật Bản đánh vào đầu (ảnh chụp từ video do Kyodo News đăng tải).
Người đàn ông bên phải là thực tập sinh Việt Nam, bị một đồng nghiệp Nhật Bản đánh vào đầu (ảnh chụp từ video do Kyodo News đăng tải).

Người đàn ông này cũng nói rằng ông bị gãy xương sườn sau khi bị một đồng nghiệp đi ủng bảo hộ đá vào người. Ông đã bị gãy răng và phải khâu môi sau khi đồng nghiệp ném giàn giáo và đập vào mặt ông.

Phát biểu tại cuộc họp báo thông qua một thông dịch viên, ông cho biết mình đã giữ im lặng vì không muốn gây rắc rối cho gia đình cũng như các thực tập sinh khác.

Ông đã được bảo vệ sau khi tham vấn liên đoàn lao động của Nhật Bản vào tháng 10 năm 2021. Ông cho biết ông muốn chuyển sang một công ty khác ở Nhật Bản và chưa báo cáo vụ việc này với cảnh sát.

Một luật sư đại diện cho công ty xây dựng từ chối bình luận, nói rằng họ đang trong quá trình thương lượng để giải quyết vụ việc. Một quan chức của tổ chức giám sát cũng từ chối bình luận về yêu cầu bồi thường, với lý do các cuộc thương lượng đang diễn ra.

Theo Kyodo News, Chương trình thực tập sinh kỹ năng do chính phủ Nhật Bản tài trợ, được giới thiệu vào năm 1993 với mục đích chuyển giao kỹ năng cho các nước đang phát triển. Nhưng chương trình này bị chỉ trích là vỏ bọc cho các công ty nhập khẩu lao động giá rẻ từ các quốc gia châu Á khác.