Sau gần 1 tuần “án binh bất động”, Trung Quốc ngày 19/5 công bố 2 hình ảnh đầu tiên được cho là do robot tự hành Chúc Dung gửi về Trái Đất từ sao Hỏa, nhưng liệu Chúc Dung có thực sự đã hạ cánh thành công xuống hành tinh đỏ như tuyên bố?

Những phát hiện của Chúc Dung sẽ được truyền về Trái Đất qua tàu thăm dò Thiên Vấn-1. Trước đó, Cục không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA) thông báo rằng tàu thăm dò chở robot tự hành Chúc Dung (Zhurong) đã vượt qua 9 phút “kinh hoàng” ma sát với khí quyển sao Hỏa và hạ cánh thành công xuống bề mặt hành tinh này hôm 15/5. Theo đó, họ tuyên bố trở thành quốc gia thứ 2 hạ cánh thành công xuống sao Hỏa, sau Mỹ, SCMP đưa tin.

Hình ảnh từ tàu thám hiểm Chúc Dung trên Sao Hỏa được CNSA công bố hôm 19/5.

Mỹ hạ cánh tàu thăm dò Viking xuống sao Hỏa thành công vào năm 1976. Đến năm 1997, Mỹ tiếp tục giữ vị trí quốc gia đầu tiên hạ cánh robot tự hành thành công xuống sao Hỏa, giữ liên lạc và hoạt động nghiên cứu trên đó. Cho đến hiện tại, Mỹ đã đưa thành công tất cả 5 con robot tự hành lên sao Hỏa, trong đó gần đây nhất là Perseverance.

Chỉ 5 phút sau khi hạ cánh xuống hành tinh đỏ, tàu thăm dò Perseverance đã ngay lập tức gửi hình chụp trắng đen về Trái Đất. Chưa đầy 24 tiếng sau, những bức ảnh màu khung cảnh sao Hỏa lẫn video ghi lại 7 phút vượt khí quyển sao Hỏa và hạ cánh an toàn xuống bề mặt đã được Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) công bố.

Nga cũng từng đưa tàu thăm dò Mars 2 vượt qua khí quyển sao Hỏa và được chứng minh là hạ cánh an toàn vào năm 1971. Tuy nhiên nó chỉ giữ liên lạc được 20 giây và im lặng mãi mãi, nên ko được tính là hạ cánh thành công.

Dấu hiệu khó hiểu

Đối với robot tự hành Chúc Dung, nhiều ngày sau khi hạ cánh nó hầu như “án binh bất động”. CNSA giải thích rằng robot cần phải có thời gian kiểm tra, ổn định trước khi rời khỏi tàu thăm dò và hoạt động, đồng thời hứa rằng cuối tháng 5 sẽ gửi hình ảnh đầu tiên về Trái Đất. Bất chấp giải thích này, cư dân mạng trong và ngoài Trung Quốc suy đoán tàu Chúc Dung đã bị hư trong quá trình hạ cánh.

Tuy nhiên, đến ngày 19/5, ảnh chụp đầu tiên của Chúc Dung đã được Trung Quốc công bố sớm hơn kế hoạch gần 1 tuần. CNSA thông báo robot này đã bắt đầu lăn bánh tìm kiếm bằng chứng về sự sống vào ngày 22/5.

Hình ảnh được cho do robot Chúc Dung “selfie” trên sao Hỏa (CNSA).

Theo báo Thanh niên, với trình độ kỹ thuật hiện tại, sẽ chỉ mất khoảng 5 – 20 phút để tín hiệu radio có thể di chuyển từ sao Hỏa về Trái Đất qua các hệ thống chuyển tiếp trên vệ tinh và đài thiên văn dưới Trái Đất.

Do đó, với những gì mà các quốc gia đi trước đã làm được, kết hợp với thông tin trên, không khỏi làm dấy lên nghi vấn về khoảng thời gian mất liên lạc giữa robot tự hành Chúc Dung và cơ quan vũ trụ Trung Quốc sau khi hạ cánh, tờ báo nhận định.

Chúc Dung được đưa lên sao Hỏa trong bối cảnh Trung Quốc đang chạy đua để bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Tất nhiên, hoạt động của robot này không chỉ dừng lại ở bức ảnh chụp xác nhận đầu tiên mà sẽ còn nhiều nghiên cứu khác và kết quả sẽ tiếp tục được gửi về Trái Đất. Hãy cùng chờ xem những “khám phá” khác của tàu Chúc Dung do Trung Quốc công bố.