U19 Thái Lan thua Lào 0-2 ở bán kết giải ĐNA và sẽ gặp lại Việt Nam – đội vừa thua sốc Malaysia 3 bàn không gỡ – tại trận tranh hạng 3.

“Cú thụt lùi của bóng đá trẻ Thái Lan, Việt Nam”

Bóng đá có thắng- thua, nhưng dường như 2 trận thua kiểu này khiến cổ động viên Thái Lan và Việt Nam đưa ra khá nhiều chỉ trích tới ban huấn luyện và cầu thủ.

CĐV Việt Nam cho rằng từ ban huấn luyện tới cầu thủ nên thay đổi thái độ thi đấu, bớt nhăn nhó, đá khí thế và tâm thế thoải mái hơn. Kỹ – chiến thuật các cầu thủ thể hiện trên sân chưa rõ nét, tâm lý yếu dẫn đến các tình huống mắc sai lầm cơ bản (như trượt chân trong bàn thua 0-3 trước U19 Malaysia).

Tình huống dẫn đến bàn thua thứ 3 của U19 Việt Nam trước Malaysia (ảnh chụp màn hình FPT).
Tình huống dẫn đến bàn thua thứ 3 của U19 Việt Nam trước Malaysia (ảnh chụp màn hình FPT).

CĐV Thái Lan nói “xấu hổ vì giờ thua cả Lào”.

“Càng ngày càng tồi tệ. Không có sự phát triển nào cả, trái lại bóng đá Thái Lan đang đi xuống. Chúng tôi quá xấu hổ rồi”.

“Không biết các cầu thủ xấu hổ hay không, chứ chúng tôi đã quá sức chịu đựng. Có lẽ chúng tôi nên từ bỏ các đội tuyển bóng đá”… là những bình luận CĐV Thái Lan để lại trên diễn đàn bóng đá ĐNA, theo Tuổi Trẻ.

Hơn 5.600 chuyến bay bị chậm trong một tháng

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hơn 5.600 chuyến bay của các hãng trong nước bị chậm, chiếm 18,2% số chuyến thực hiện.

VnExpress dẫn báo cáo từ Cục Hàng không cho biết, con số trên đã tăng 9% so với tháng 5. Trong đó, hãng Vietjet Air có gần 2.900 chuyến, tăng hơn 20% so với cùng kỳ; Vietnam Airlines hơn 2.200 chuyến, tăng hơn 18% so với cùng kỳ. Tình trạng này gây bức xúc cho người dân khi nhu cầu đi lại dịp hè tăng cao.

27.000 tỷ đồng khôi phục đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt

Theo Bộ Giao thông, cần tới số tiền hơn 27.000 tỷ đồng để khôi phục gần 84 km đường sắt nối Phan Rang – Đà Lạt nhằm phát triển du lịch. Nếu đúng tiến độ, năm 2030 tuyến đường sắt sẽ vận hành.

Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt được Pháp xây dựng năm 1908, đến năm 1932 hoàn thành. Toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui; đặc biệt có hai đoạn răng cưa dài gần 14 km để vượt đèo. Đây là tuyến đường sắt thuộc loại độc đáo trên thế giới.

Sau ngày Việt Nam thống nhất, tuyến đường sắt răng cưa bị phá. Năm 1986, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam đã cho công nhân tháo ray và tà vẹt để phục vụ sửa chữa đường sắt Bắc – Nam. Phần còn lại bị bán làm sắt vụn dần dần từ những năm 1980 đến 2004.

Các đầu máy bán cho Thụy Sĩ và được vận chuyển khỏi Việt Nam (ảnh: Tư liệu/dẫn từ báo Lao Động).

Các đầu máy hơi nước thuộc hạng hiếm nhất thế giới bị vứt lăn lóc, sau bán lại với giá phế liệu hơn chục tỷ đồng cho Thụy Sĩ. Quốc gia châu Âu này mừng như vớ được báu vật, mở lại ngay đoạn đường sắt răng cưa leo núi Furka từ năm 1993, đưa du khách thưởng ngoạn dãy Alpes với giá vé lên tới 60 USD/người cho đoạn đường không tới 25 km.

Hộ nghèo được cấp máy tính bảng

Thông tư 09 ngày 30/6 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, hộ nghèo, cận nghèo có thành viên là học sinh, nếu muốn nhận máy tính bảng thì sẽ được hỗ trợ.

Thứ tự ưu tiên, theo Thông tư, từ “hộ nghèo, cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách, người có công với cách mạng; hộ nghèo, cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách; hộ nghèo, cận nghèo”.

Lộ trình của Chính phủ, đến năm 2025 có “400.000 hộ sẽ được cấp máy tính bảng; 400.000 hộ khác được hỗ trợ một phần để mua điện thoại thông minh”.

Ukraine cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Ukraine hôm 13/7 tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên vì chính quyền Kim Jong Un công nhận nền độc lập của các vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm giữ.

Trước đó, Đại sứ quán Triều Tiên tại Moscow xác nhận Bình Nhưỡng công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk, hai vùng lãnh thổ thuộc Ukraine mà những người thân Nga tuyên bố thành lập quốc gia độc lập. Như vậy, Triều Tiên trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới công nhận 2 nhà nước tự xưng, sau Nga và Syria.

“Trước một hành động thiếu thân thiện như vậy, Ukraine tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết.

Kỷ niệm 6 năm Phán quyết Biển Đông

Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thường trực tại La Hay, Hà Lan đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo Washington Times, Hải quân Mỹ đã “đánh dấu kỷ niệm” sự kiện này bằng chuyến đi của một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường vào Biển Đông.

rong bức ảnh do Hải quân Hoa Kỳ cung cấp, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Benfold (DDG 65) tiến hành các hoạt động thường lệ ở Biển Philippines vào ngày 24 tháng 6 năm 2022.
Trong bức ảnh do Hải quân Hoa Kỳ cung cấp, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Benfold (DDG 65) tiến hành các hoạt động thường lệ ở Biển Philippines vào ngày 24 tháng 6 năm 2022. 

Trung úy Hải quân Nicholas Lingo, người phát ngôn của Hạm đội 7, cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Benfold đã đi đến gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 13/7. Tuyên bố văn khẳng định “các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông là phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trước đó, vào ngày 11/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đề cập đến Phán quyết Biển Đông. Ông nói: “Trong phán quyết của mình, Tòa án kiên quyết bác bỏ yêu sách rộng lớn của CHND Trung Hoa ở Biển Đông là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế”.