Hệ thống Patriot sở hữu Radar mảng pha quét điện tử cực kỳ tân tiến nhưng nó cũng có một điểm yếu. Liệu hệ thống này có khả năng thay đổi bức tranh chiến lược hay diễn biến trên chiến trường ở Ukraine hay không?
Có thể nói chính quyền Biden và đồng minh NATO đang tham gia vào một chiến dịch theo kiểu Hội chứng ếch luộc, trong đó Mỹ đang tăng dần mức độ sát thương và độ phức tạp của vũ khí, cũng như các hỗ trợ khác cho Ukraine trên mặt trận chống Nga. Tại một thời điểm nào đó, quá trình này sẽ vượt qua lằn ranh đỏ của Nga và đó mới là lúc mọi thứ sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm.
Theo hãng tin AP, lý do mới nhất được chính quyền Biden dựa vào để triển khai hệ thống phòng không Patriot tới Ukraine như sau:
“Các quan chức Mỹ cho biết Mỹ sẵn sàng phê chuẩn việc gửi một khẩu đội tên lửa Patriot tới Ukraine, cuối cùng đã đồng ý với yêu cầu khẩn cấp từ các nhà lãnh đạo Ukraine đang khao khát có vũ khí mạnh hơn để bắn hạ các tên lửa của Nga.
…Hai trong số các quan chức cho biết Patriot sẽ được gửi đến từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc…
Trong một cuộc họp qua video hôm thứ Hai,Tổng thống Zelensky nói với nước chủ nhà Đức và các nhà lãnh đạo khác của Nhóm G7 rằng, đất nước của ông cần tên lửa tầm xa, xe tăng hiện đại, pháo binh, khẩu đội tên lửa và các hệ thống phòng không công nghệ cao khác để chống lại các cuộc tấn công của Nga…
Ông nhìn nhận rằng “Đáng tiếc là Nga vẫn có lợi thế về pháo binh và tên lửa”.
Trong lời xác nhận hiếm hoi của Tổng thống Zelensky rằng Nga đang có lợi thế về pháo binh lẫn tên lửa là hoàn toàn chính xác. Chính truyền thông cũng cho biết, người Nga sở hữu lượng pháo gấp 10 đến 15 lần so với quân đội Ukraine, theo Yahoo.
“Vadym Skibitsky, phó giám đốc tình báo quân đội Ukraine, nói với tờ The Guardian… rằng, cuộc chiến hiện tại với Nga là ‘cuộc chiến pháo binh’, đồng thời cảnh báo rằng phe của ông đang thua về mặt pháo binh.”
Tất nhiên NATO cũng không còn thiết bị và đạn dược dự trữ để thay đổi điều này.
Cần lưu ý là, như CNN đưa tin, “một khẩu đội Patriot điển hình bao gồm một bộ radar phát hiện và theo dõi mục tiêu, máy tính, thiết bị phát điện, trạm điều khiển giao tranh và tối đa 8 bệ phóng”
“Không giống như các hệ thống phòng không nhỏ hơn, các khẩu đội tên lửa Patriot cần kíp lái lớn hơn nhiều, đòi hỏi hàng chục nhân viên để vận hành chúng đúng cách”.
Như vậy có thể thấy việc huấn luyện sử dụng Patriot tốn khá nhiều thời gian, trừ khi người Ukraine đã được huấn luyện bí mật trong vài tháng trước đó, hoặc có sự trợ giúp hoặc tham gia trực tiếp của binh sĩ NATO trong việc điều khiển Patriot.
Tuy nhiên ngay cả khi binh sĩ Ukraine được huấn luyện sử dụng hệ thống tên lửa tân tiến này, thì mọi việc cũng không hề dễ dàng suôn sẻ như CNN đã thừa nhận.
Tờ này viết như sau: “Quá trình huấn luyện cho các khẩu đội tên lửa Patriot thường kéo dài nhiều tháng, một quá trình mà Mỹ hiện sẽ phải thực hiện dưới áp lực của các cuộc không kích gần như hàng ngày từ Nga.”
Hệ thống Patriot hiện tại cũng từng được kỳ vọng như hệ thống pháo tự hành HIMARS trước đó, nhưng giờ đây chúng thường xuyên bị các hệ thống phòng không và tên lửa của Nga bắn hạ.
Trong các bản tin của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy Lực lượng phòng không Nga đã tiêu diệt các bệ phóng HIMARS và bắn chặn thành công nhiều quả đạn pháo HIMARS.
Khẩu đội Patriot sẽ được chính quyền Biden triển khai tới Ukraine có khả năng là một trong những khẩu đội mà Mỹ hiện có ở Ba Lan và một đơn vị Patriot của Đức sẽ được triển khai để thay thế nó.
Hệ thống Patriot sở hữu Radar mảng pha quét điện tử cực kỳ tân tiến nhưng hệ thống tên lửa này của Mỹ cũng có một điểm yếu. Đó là Patriot dễ bị phát hiện bởi các vệ tinh có gắn Radar khẩu độ tổng hợp và được nhà nghiên cứu người Israel Harel Dan khám phá cách đây vài năm.
Trang fas.org có đoạn như sau:
“Giữa một vài tuần bận rộn với các tin tức liên quan đến hạt nhân, một nhà nghiên cứu người Israel đã thực hiện một khám phá [phân tích thu thập các dữ liệu từ các nguồn mở] OSINT… Nhà phân tích Harel Dan của Israel nhận thấy rằng, khi ông vô tình điều chỉnh mức độ nhiễu của hình ảnh được tạo ra từ chòm sao vệ tinh SENTINEL-1, một loạt các biểu tượng chữ X màu đột nhiên xuất hiện trên toàn cầu.
Radar khẩu độ tổng hợp băng tần C (SAR) của SENTINEL-1 hoạt động ở tần số trung tâm 5,405 GHz, vốn nằm trong dải tần số quân sự được sử dụng cho các hệ thống radar trên bộ, trên không và hải quân (5,250-5,850 GHz) —bao gồm cả Radar mảng pha AN/MPQ-53/65 tạo thành xương sống của hệ thống chỉ huy và điều khiển của một khẩu đội Patriot. Do đó, Harel đã đưa ra giả thuyết chính xác rằng một số chữ X xuất hiện trong ảnh SENTINEL-1 có thể được kích hoạt do nhiễu từ hệ thống radar Patriot.
Sử dụng logic này, ông ấy đã có thể sử dụng X để xác định vị trí của các khẩu đội Patriot ở một số quốc gia Trung Đông, bao gồm Qatar, Bahrain, Jordan, Kuwait và Ả Rập Xê út”.
Như vậy có thể thấy, hệ thống tên lửa Patriot có thể dễ dàng bị SENTINEL-1 phát hiện. SENTINEL-1 là vệ tinh hình ảnh radar của châu Âu được phóng vào năm 2014.
Câu hỏi đặt ra là: Hệ thống tên lửa đầy uy lực Patriot dễ dàng bị vệ tinh châu Âu phát hiện, thì vệ tinh ra đa của Nga sẽ thế nào?
Có thể bạn quan tâm: