Tàu Hải tuần 09 là một chiêu mới của Trung Quốc nhằm phục vụ tham vọng ở Biển Đông dưới vỏ bọc mới là “dân sự”, theo nhận định của giới chuyên gia.

Tàu Hải tuần 09 là gì?

Cơ quan Hải sự Trung Quốc hôm 23/10 đã biên chế Tàu Hải tuần 09 cho Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông, đơn vị phụ trách giám sát hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tàu Hải tuần 09 là tàu tuần tra lớn nhất của Trung Quốc; nó có kết cấu hiện đại và có thể mang vũ khí hạng nặng.

Với chiều dài 165 m, rộng gần 21 m, chiếc tàu có lượng giãn nước là 10.700 tấn. Như vậy nó còn lớn hơn tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ (có lượng giãn nước khoảng 8.000-9.700 tấn).

Tàu Hải tuần 09 là ‘bình mới rượu cũ’

Báo Vnexpress sáng nay (27/10) đã trích dẫn bình luận của Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân.

Ông Tâm nói rằng việc một cơ quan dân sự như Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông được trang bị loại tàu tuần tra lớn hiện đại như Hải tuần 09, thực chất “bình mới rượu cũ”. Nghĩa là Trung Quốc vẫn thực hiện các hoạt động tuần tra như trước, nhưng các tàu tuần tra được khoác chiếc áo mới là “dân sự”.

Đại tá Tâm cho biết: “Hải tuần thực chất là hải cảnh và hải giám khoác áo dân sự”.

Nhưng các lực lượng hải cảnh và hải giám Trung Quốc đã gây ra nhiều vụ tai tiếng; như việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014.

Lực lượng hải tuần thì không được tính vào lực lượng vũ trang, nên vẫn được tính là “dân sự”. Tuy nhiên, công việc của hải tuần Trung Quốc thì cũng giống như lực lượng hải giám, hải cảnh.

Đại tá Lâm nói: “Trung Quốc sử dụng từ Hải tuần để đặt tên cho các con tàu mới đóng và coi đó là lực lượng mới; song về bản chất nó vẫn là tàu hải giám với nhiệm vụ rộng hơn và cởi bỏ quân phục để khoác áo dân sự”.

Nguy cơ xung đột từ tàu Hải tuần 09

Giới chuyên gia cho rằng với việc trang bị các tàu tuần tra cơ lớn, có thể trang bị vũ khí cho cơ quan dân sự, Trung Quốc đang tìm cách đưa lực lượng vũ trang ra ngoài biên giới.

“Việc đưa các tàu hải tuần vào hoạt động mà không tuyên bố rõ ràng về phạm vi, giới hạn vận hành cho thấy Trung Quốc cố tình tạo ra sự mập mờ như lúc ban hành luật hàng hải, có hiệu lực cách đây gần ba tháng”, Đại tá Nguyễn Minh Tâm nói.

Ông cho biết: “Hành động này một lần nữa cho thấy toan tính độc chiếm Biển Đông bằng đường lưỡi bò và các hoạt động dân sự của Trung Quốc”.

Trung Quốc có thể dùng tàu Hải tuần 09 để thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông, theo tin từ SCMP.

“Nó có thể được điều động đến những nơi như quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông để tham quan mang tính biểu tượng; đi qua các nước láng giềng, phô trương sức mạnh và khả năng hàng hải của Trung Quốc. Nhưng tôi không nghĩ rằng đã đến lúc triển khai lâu dài (tàu Hải tuần 09)”, ông Yue nói.

“Biển Đông là một khu vực nhạy cảm. Việc triển khai loại tàu này tới khu vực đó trong thời gian dài có thể dẫn đến xung đột ”, theo Yue Gang, một cựu đại tá của Quân đội Trung Quốc nói với SCMP.