Gần 5 tháng kể từ khi Tổng thống Putin bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, ngày càng có nhiều lính Nga từ chối tham gia chiến đấu, theo RFE.

Các nhà hoạt động nhân quyền Nga cho biết hàng trăm, có thể là hàng nghìn binh sĩ đang chùn bước trong cuộc chiến tại Ukraine. Họ không muốn tiếp tục chiến đấu, không muốn ở lại chiến trường mà muốn trở về nhà. Những người chưa đi, thì cũng tìm cách không phải đến Ukraine.

Một ví dụ là Hạ sĩ Ilya Kaminsky, 20 tuổi, tham gia vào cuộc chiến hơn 4 tháng. Vào đầu tháng 7, Kaminsky nói anh không thể chịu đựng thêm được nữa.

“Tôi kiệt quệ về mặt đạo đức. Tôi hoàn toàn không tin tưởng vào chính quyền và chỉ huy cấp trên, ngay từ những lời đầu tiên”, Kaminsky nói với Current Time trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào ngày 17/7. Cuộc phóng vấn được ghi lại từ một địa điểm không được tiết lộ ở Luhansk, thuộc khu vực miền đông Ukraine.

“Bởi vì họ (các cấp chỉ huy) phớt lờ mọi thứ. Họ phớt lờ bất kỳ yêu cầu nào”. Họ khuấy động và đưa ra các đề xuất khi những người lính bắt đầu nói không với việc tham chiến, Kaminsky cho biết.

“Tôi mệt mỏi. Nhớ nhà. Con gái tôi mới sinh được ba tháng. Tôi vẫn chưa được nhìn thấy con bé”.

Ilya Kaminsky cho biết nhiều người lính Nga như anh đã từ chối tiếp tục chiến đấu tại Ukraine (ảnh chụp màn hình RFE).
Ilya Kaminsky cho biết nhiều người lính Nga như anh đã từ chối tiếp tục chiến đấu tại Ukraine (ảnh chụp màn hình RFE).

Tại đơn vị của Kaminsky, có 78 người lính từ chối tiếp tục chiến đấu. Một số người đã bị tạm giam trong nhiều ngày.

Việc các binh sĩ không chấp nhận tham chiến khiến các tướng lĩnh chỉ huy Nga đau đầu vì phải vật lộn để bổ sung lực lượng cho các đơn vị đã tiêu hao và kiệt quệ.

Các cơ quan tình báo phương Tây cho rằng thiệt hại của Nga là đáng kể. Một chỉ huy quân sự hàng đầu của Anh nói với BBC trong tuần này rằng có tới 50.000 quân Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/2.

Sự bất mãn trong Lữ đoàn 11 của Kaminsky không phải là trường hợp cá biệt. Theo RFE, có dấu hiệu cho thấy các sĩ quan chỉ huy Nga đang thử các chiến thuật khác nhau để giữ cho vấn đề không nằm ngoài tầm kiểm soát. Ví dụ, có trường hợp họ công khai bôi nhọ những người lính từ chối chiến đấu.

Tại Buryatia (thuộc Nga), nơi mà Lữ đoàn 11 đóng quân, hàng chục người lính đã tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý từ các nhà hoạt động địa phương để tìm cách phá bỏ hợp đồng và thoát khỏi nghĩa vụ quân sự tại Ukraine vì các lý do khác nhau.

Một người lính đề nghị không công khai danh tính cho biết anh đã rời khỏi lữ đoàn trước ngày 24/2, khi biết rằng cuộc chiến sẽ xảy ra. “Tôi còn trẻ, bất kỳ lúc nào cũng có thể có viên đạn nào đó bay vào đầu… Tôi đã từ chối (tham chiến) để có thể giữ mạng sống. Tôi không hối hận chút nào về điều đó”, người lính cho biết.

Tại thị trấn Budyonnovsk, miền nam nước Nga, trên căn cứ đóng quân của Lữ đoàn súng trường cơ giới Cossack số 205, các chỉ huy đã dựng lên một “bức tường ô nhục”, trong đó có ghi tên, cấp bậc và ảnh của khoảng 300 người lính Nga đã không tuân lệnh trong cuộc chiến Ukraine.

Có thể bạn quan tâm: