Sau khi có tin về việc xác tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc sẽ rơi xuống Trái đất vào cuối tuần này, chính quyền miền bắc Sudan đã lập một ủy ban ứng phó khẩn cấp.
Công chúng đang theo dõi vụ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc chuẩn bị trở về Trái đất trong tình trạng mất kiểm soát. Tên lửa này đẩy mô đun Thiên Hà cho Trạm Vũ trụ Trung Quốc, sau đó đi vào quỹ đạo cùng với mô đun. Các tên lửa đẩy thông thường không đi vào quỹ đạo như tên lửa Trung Quốc.
Do nó đi vào quỹ đạo, sẽ đến lúc nó rơi xuống Trái đất nhưng không xác định được nó sẽ rơi xuống đâu và khi nào. Các nhà phân tích cho biết tên lửa 21 tấn của Trung Quốc sẽ đáp xuống Trái đất vào cuối tuần tuần này trong tình trạng “mất kiểm soát”.
Tên lửa Trường Chinh 5B sẽ nổ tung thành các mảnh vỡ khi tiếp xúc với bầu khí quyển. Nhưng những mảnh vỡ của nó có thể văng xuống phạm vi rất rộng và gây ra hậu quả khó lường.
Theo New York Times, chính quyền miền bắc Sudan đã triệu tập các cuộc họp khẩn để bàn kế hoạch ứng phó; nhằm giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp bị các mảnh vỡ từ tên lửa rớt trúng.
Sudan cũng lập một ủy ban ứng phó khẩn cấp. Trong đó có đại diện của Bộ Y tế; Bộ Tài chính; các lực lượng thường trực, truyền thông và các tổ chức dân sự.
Giới chức Mỹ đang theo dõi đường di chuyển của tên lửa Trung Quốc; nhưng không có kế hoạch bắn hạ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết: “Chúng tôi hy vọng các mảnh vỡ sẽ rơi xuống nơi nào đó mà không khiến ai bị thương, xuống biển hay nơi nào đó tương tự”.
Phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trấn an dư luận rằng nguy cơ xác tên lửa Trường Chinh gây ra thiệt hại là “cực kỳ thấp”.
Vào tháng 5 năm 2020, Tên lửa Trường Chinh 5B đầu tiên của Trung Quốc rớt xuống Trái đất cũng trong tình trạng “mất kiểm soát”. Các mảnh vỡ của nó rơi xuống khắp khu vực Đại Tây Dương và một phần ở miền tây châu Phi.