Trong “Tây Du Ký” có vùng đất “Nữ Nhi Quốc” chỉ có phụ nữ sinh sống. Thế giới chúng ta hiện nay thực sự có một ‘quốc gia’ chỉ có đàn ông.
Trong tác phẩm kinh điển “Tây Du Ký” của Trung Quốc có vùng đất tên là “Nữ Nhi Quốc”. Nhiều độc giả có ấn tượng vô cùng sâu sắc về nơi này. Mọi người có lẽ cho rằng, đó chỉ là một câu chuyện huyễn tưởng.
Thế nhưng, trong thế giới ngày nay thực sự tồn tại một “quốc gia đàn ông”. Quốc gia này nằm trên một bán đảo thiêng liêng và xinh đẹp ở Hy Lạp. Trên đảo này chỉ có đàn ông mà không hề có phụ nữ. Chúng ta hãy cùng khám phá cuộc sống diễn ra như thế nào trên hòn đảo này nhé!
Nội dung chính
Bán đảo linh thiêng
Tên của bán đảo cổ kính này là Athos. Bán đảo còn được biết đến với tên “Vườn sau của Thánh nữ” (hay vườn sau của Đức mẹ đồng trinh). Nó nằm ở vùng Halkidiki, bờ biển Hy Lạp, dài 40 dặm và rộng 4 dặm.
Đảo Athos với hình dáng giống như cánh tay vươn mình ra biển Aegean trong xanh. Núi Athos nằm ở phía đông nam của bán đảo. Thế núi hiểm trở, ngọn núi chính có độ cao tới 2.033 mét so với mực nước biển.
Giữa các thung lũng và trên các vách đá, có hơn 20 tu viện. Chúng có quy mô và phong cách khác nhau, chằng chịt đan xen vào nhau vô cùng hấp dẫn và độc đáo. Đây là nơi duy nhất ở Hy Lạp hoàn toàn dành riêng cho việc cầu nguyện và thờ phụng Thượng Đế.
Chính vì lý do này mà núi Athos được biết đến như một “ngọn núi thánh”. Nó giống như một “quốc gia ở trong một quốc gia”. Hơn nữa, toàn bộ bán đảo được đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới.
Những tu viện trên vách núi
Từng toà tu viện đứng sừng sững trên Núi Athos ở những chỗ ẩn khuất. Một số nằm trong các hang động trên các vách đá dựng đứng. Lối đi duy nhất là hai dây xích sắt treo lơ lửng ở độ cao 30 mét. Lối vào hang động tối và u ám, nhưng bên trong lại rất rộng rãi. Còn có các tu viện khác ẩn mình trong những thung lũng râm mát.
Trên bãi cỏ rộng lớn có các cung điện, tòa tháp. Chúng đứng sừng sững với nhiều màu sắc và phong cách khác nhau, tô điểm cho bán đảo trở nên vô cùng mỹ lệ. Tu viện Meis và Phras là hai tu viện cổ nhất được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 SCN.
Ngoài ra, còn có Tu viện Rauna, được xây dựng vào năm 963 SCN. Nó tọa lạc trên đỉnh núi, là nơi giàu có nhất, uy quyền nhất. Nó cũng là nơi bảo tồn hoàn chỉnh nhất kiến trúc theo phong cách nghệ thuật của thời đại Byzantine. Cùng với những bức bích họa tinh tế của trường phái hội họa Macedonian, mang đậm phong cách cổ kính và ngoạn mục.
Mỗi tu viện đều có một cửa sau ẩn khuất dẫn ra rừng rậm hoặc biển cả để theo dõi các hoạt động xung quanh. Nhìn từ xa, tu viện trên núi uy nghiêm như một tòa lâu đài cổ kính. Các bức tường được bao phủ bởi các bức bích họa và các tượng của Thánh nhân vô cùng trang nghiêm.
Giữa tòa nhà chính và nhà nguyện lớn có một quả chuông lớn nặng 16 tấn. Tương truyền rằng nó có thể phát ra 32 loại âm thanh. Thế nhưng người qua đường không thể tùy ý rung chuông.
Tu viện Hy Lạp gần đó lưu giữ những bức bích họa của thế kỷ 18 và hơn 5.000 cuốn sách cổ. Trong đó, có hơn 400 bản thảo và bản chép tay cực kỳ quý giá. Nó thể hiện đầy đủ lịch sử lâu đời của Hy Lạp và sự tài trí sắc sảo của những bậc nghệ nhân.
Những điều đặc biệt ở tu viện
Mặc dù núi Athos nằm ở Hy Lạp, nhưng nó không bị ràng buộc bởi luật pháp Hy Lạp. Mà là trực tiếp nghe theo lệnh của tu viện Chính giáo. Tu viện ở đây là địa điểm tu đạo sớm nhất của Chính giáo ở Đông phương.
Trên đảo có 11 “thị trấn” với hơn 15.000 dân. Trong đó, có hơn 900 tu sĩ; lúc nhiều nhất là hơn 20.000 tu sĩ. Bầu không khí tôn giáo trên bán đảo Athos rất mạnh mẽ.
Hầu hết các tu sĩ được gửi đến tu viện khi họ mới sinh ra. Họ chưa bao giờ nhìn thấy một phụ nữ trong đời. Họ mặc áo choàng đen, để râu dài và có biểu hiện nghiêm túc. Trong tu viện có phòng ngủ thuần khiết, đồ chay ngày ba bữa, đầy đủ nước ngọt hoặc rượu trái cây. Ngoài ra, họ sinh hoạt một mình, mỗi ngày đều thực hiện lặp lại những giờ tụng kinh ở tu viện.
Người trụ trì tu viện sẽ phân công các tu sĩ làm việc dựa vào khả năng thể chất và sở trường của mỗi người. Họ sẽ làm các công việc đồng áng, vẽ tranh, nấu rượu, điêu khắc, ghi chép sổ sách, nấu ăn. Họ làm việc 8 tiếng mỗi ngày, cầu nguyện 8 tiếng và nghỉ ngơi 8 tiếng. Họ không có đài, TV, điện thoại, điện tín, báo chí và chỉ vẻn vẹn có một chiếc ô tô để đi lại.
Thêm vào đó, họ có quy định nghiêm ngặt: Không sở hữu nhạc cụ, không hút thuốc, cưỡi ngựa và ca hát. Đối diện với cuộc sống như vậy, các đạo sĩ cho rằng rất xứng đáng sống ở đây. Ở đây thật nhàn nhã và yên bình, không phiền não, không phức tạp, không có gì phải lo lắng. Đây là câu trả lời của tu sĩ. Mặc dù trải qua cuộc sống biệt lập, thế nhưng đổi lại sẽ có được sự kéo dài của sinh mệnh.
Những quy định ở tu viện
Đây là nơi cấm phụ nữ, ngay cả động vật giống cái cũng không được phép vào. Từ năm 1060, Athos đã xây dựng chế định luật “cấm phụ nữ lên đảo”. Những vật dụng như quần áo, ảnh, sách tranh… có liên quan với phụ nữ cũng bị cấm tại đây.
Tuy rằng không cho phép tồn tại những động vật cái, nhưng gà mái là một trường hợp ngoại lệ. Vào thời điểm đó, đã có rất nhiều tranh cãi về vấn đề liên quan đến gà mái. Cuối cùng, mọi người đều đồng ý cho phép sự tồn tại của gà mái. Vị trụ trì giải thích: “Những con gà mái cung cấp trứng cho bữa sáng của chúng tôi hàng ngày”.
Làm sao du lịch ở núi Athos?
Chính vì đây là một đất nước của đàn ông. Do đó, nó đã thu hút sự tò mò của rất nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên, để đến đây sẽ phải trải qua rất nhiều thủ tục.
Trước hết, du khách phải thông qua sự kiểm tra của Bộ Ngoại giao Hy Lạp. Cơ quan quản lý bán đảo Athos quy định rằng số lượng du khách nước ngoài không phải là người Hy Lạp được giới hạn ở 25 nam giới mỗi ngày. Và họ phải đủ 18 tuổi mới được đăng ký thị thực nhập cảnh.
Cảnh sát làm nhiệm vụ kiểm tra sẽ vén nội y để xác nhận giới tính xem có phụ nữ đóng giả đàn ông trên đảo hay không. Đây là điều được pháp luật địa phương cho phép.
Nếu phụ nữ lén cải trang thành đàn ông, một khi bị bắt, cô ấy sẽ được đưa vào một nơi dành cho phụ nữ tạm trú để chờ hồi hương. Du khách nam khi vào núi không được phép mang theo bất kỳ vật dụng liên quan đến phụ nữ và vật nuôi giống cái.
Đối với những du khách bình thường không phải là giáo đồ Chính giáo, họ cần lên kế hoạch du lịch trước. Núi Athos chấp nhận đơn đăng ký trước tối đa 6 tháng. Trong đó sẽ giới thiệu hoàn cảnh của bạn; tôn giáo tín ngưỡng; lý do đến núi Athos; thời gian nhập – xuất cảnh và các thông tin chi tiết khác. Bạn có thể ở tối đa 4 ngày 3 đêm cho mỗi lần nhập cảnh với mức phí 30 Euro. Nếu vượt quá thời hạn, đơn xin gia hạn cần được nộp tận tay đến Văn phòng Hành hương Núi Athos.
Trải nghiệm du lịch ở tu viện trên núi Athos
Có những cửa hàng và nhà trọ do các tu sĩ mở trên bán đảo. Ở đó, cung cấp chỗ ăn ở miễn phí, nhưng du khách theo thông lệ cần phải làm món quà thích hợp. Mỗi tu viện đều chứa đựng những văn vật quý giá.
Ví dụ như: tranh Thánh; đồ dùng Thánh; Kinh Thánh; các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng; tượng Thần; bản chép tay cổ; vàng bạc châu báu. Mỗi khi du khách đến làm lễ, các tu sĩ đều biểu thị sự cung kính.
Núi Athos tuy không có cảnh quan thiên nhiên thù thắng. Nhưng nền văn hóa lịch sử độc đáo và cảnh quan văn hóa đặc sắc đã thu hút du khách. Du khách từ khắp nơi trên thế giới mang theo những tâm trạng khác nhau đều muốn đến đây để trải nghiệm cuộc sống biệt lập. Tuy nhiên, tất cả du khách đều phải là nam giới.
Quốc gia chỉ có đàn ông là một nơi lý tưởng để khám phá những bí ẩn tâm linh và vẻ đẹp văn hoá lịch sử. Các bạn có muốn đặt chân tới đây?
Theo Sound of hope