Gần chục con người bán vé số xa quê ngồi quây quần bên bữa cơm chung, nồi canh lõng bõng nước; một ít mắm trộn tiêu nhưng với họ như vậy đã là may mắn; bởi họ nơm nớp lo sợ nếu cứ dịch bệnh như thế này thì sẽ chẳng biết những ngày tiếp theo sẽ ra sao.

Ngày 9/7 TP. HCM ngưng hoạt động vé của đại lý và bán vé số dạo trên địa bàn để phòng dịch Covid-19. Điều này khiến những người mưu sinh bằng nghề bán vé số ở TP. HCM thêm phần khó khăn, vì giờ về quê cũng không được mà gắng trụ lại thì không biết lấy gì trang trải tiền ăn, tiền trọ.

Những mảnh đời nghèo nương tựa nhau qua ngày gian khó

Nằm sâu trong con hẻm dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 1) là căn nhà trọ ọp ẹp, ẩm mốc nơi che nắng mưa của gần chục người bán vé số ở TP. HCM. Những người thuê trọ ở đây đều đến từ quê hương xứ nẫu Phú Yên.

Hôm nay, ông Ngô Văn Tiến trở về nhà với gương mặt khắc khổ, thất vọng: “Ngoài chợ bữa nay nẫu (họ, người ta – tiếng địa phương) bán giá cắt cổ quá! Ai đời bán 2 trái cà 7.000 đồng, bó cải ngọt gần 20.000 đồng”. Ông Quý lắc đầu, chậc lưỡi: “Thời buổi khó khăn, mà nẫu thất đức quá!”. 

Thế rồi, cả chục con người tha hương ngậm ngùi ngồi san sẻ bữa cơm trưa với ít nắm tiêu.  

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Ông Tiến tâm sự với báo Thanh Niên: “Ăn bữa lửng lửng giờ trưa không ra trưa, chiều không ra chiều thế này cho tiết kiệm. Năm ngoái, vé số ngưng mọi người về quê hết. Năm nay thông báo vội quá, xe ngưng hết rồi, có muốn về cũng không được, ở lại thì tiền trọ vẫn 6 triệu cả nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn, ôi đủ thứ tiền”, ông Tiến vừa dứt lời, vài người trong nhà lại nhìn nhau cười méo xệch, chua chát.

Họ những người dân miền Trung cũng vì hoàn cảnh, vì nghèo, vì kiếm tiền nuôi con cháu, hay trang trải cuộc sống tuổi già, có rất nhiều lý do để họ rời xa mảnh đất nơi mình chôn nhau cắt rốn, xa ruộng đồng quê hương lên thành phố để bươn chải. Và họ chấp nhận sống trong căn nhà sập sệ, ẩm thấp để giảm bớt chi phí.

Bà Sáu Lan (75 tuổi) kể với báo Zing: “Ngủ xếp lớp như cá mòi vậy cháu. Mỗi người được vài ô gạch, cựa mình cũng chật. Mà kệ, mọi người đi bán mệt rồi nên ngủ ngon”.

Ngày thường, mỗi người trong nhà vé số bán được 180 – 250 tờ vé số, lời được tương đương 180.000 – 250.000 đồng, nghỉ buổi sáng. Từ khi dịch diễn biến phức tạp, vé số ế. Mỗi ngày rong ruổi 18-20 tiếng ngoài đường, họ chỉ bán được giỏi lắm 100 – 120 vé và rồi đến nay thì dừng hẳn.

“Không bán không có thu nhập thì mình chỉ nấu cơm ăn rồi có mắm ăn mắm, có muối ăn muối cho nó qua ngày, tiền đâu đi chợ, đi chợ cũng có ai bán gì đâu mà đi chợ. Những người đi bán vé số ở chung một nhà đây ai cũng có hoàn cảnh riêng hết, người ta cũng có con chứ không phải không, nhưng con nó không đủ lo con nó nữa mà đâu lo tới mình cho được”, ông Tiến nói.

Đã nghèo… còn mắc cái eo

Ngồi tựa vào góc tường, ông Quý bần thần không yên với nỗi lo canh cánh trong lòng. Sau đợt lũ năm ngoái, vợ chồng ông trở lại thành phố bán vé số, kiếm ít tiền gửi về cho cậu con trai học lớp 11 và người cha già đang đổ bệnh.

Theo báo Zing, hơn nửa năm cặm cụi đi bán, vợ chồng ông gom góp được 12 triệu đồng, định qua rằm tháng 5 sẽ gửi về quê. Vậy mà, hôm 23/6 ông Quý bị lừa mất hết cả tiền lẫn vé số.

Rơm rớm nước mắt, ông Quý kể với phóng viên báo Thanh Niên: “Hôm tôi đi bán gần cầu Kênh Xáng (quận 8) gặp một cô nói chú, chú đưa tui ủng hộ vé số cho. Sau đó tôi không biết gì nữa, đến khi định thần lại được thì mở bóp thấy chỉ còn vài chục lẻ, vé số cũng hết sạch. Vội hỏi người gần đó họ nói cô đó vừa chạy vào hẻm, tôi lật đật chạy theo nhưng không thấy ai nữa. Về báo với vợ, bả khóc như mưa”.

Vợ chồng ông Quý mất sạch tiền tiết kiệm từ Tết đến nay (ảnh chụp màn hình báo Zing).

Vợ ông – bà Dung thẫn thờ nói: “Mình nghèo mà nó còn lừa. Tôi khóc hết nước mắt, vẫn phải ráng đi bán để có cái ăn”.

Ông Quý cũng buông tiếng thở dài: “Vợ chồng tôi tính đi bán gom lại tiền rồi gửi về cho cha chữa bệnh. Vậy mà mới bán được hơn chục ngày thì phải nghỉ ở nhà”.

Đồng cảnh ngộ, bà Lan (60 tuổi) vẫn từng ngày mưu sinh ở đất khách, vừa tự chăm lo cho bản thân vừa gửi tiền về cho người chồng khuyết tật. Trách nhiệm với gia đình khiến tâm trạng của mọi người trĩu nặng trước chuỗi ngày thất nghiệp.

“Thôi, mùa dịch mà có chỗ ở, có miếng ăn là phước rồi” – người trong nhà tự an ủi nhau.