Ông Dũng liên tục gửi đơn tố cáo, khiếu nại tới lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về hành vi sai trái của Chủ tịch UBND TP Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng và thẩm phán Tòa án nhân dân TP Phú Quốc, nhưng nhiều năm qua, sự việc phản ánh vẫn không được giải quyết thỏa đáng, khiến người dân mất niềm tin…
Trong các kỳ trước, chúng tôi đã thông tin về nội dung tố cáo của ông Nguyễn Tuấn Dũng (thường trú tại Tổ 1, Ấp Đường Bào, Xã Dương Tơ, TP Phú Quốc) gửi các lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về việc ông Huỳnh Quang Hưng (chủ tịch UBND TP Phú Quốc) cấp sổ đỏ sai quy định khiến ông Dũng bị thiệt hại rất lớn.
Hành vi của ông Hưng còn bị chất vấn là đã gây ra thiệt hại cho ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu ở địa phương.
Bên cạnh đó, những quyết định từ thẩm phán của tòa án nhân dân TP Phú Quốc xoay quanh vụ việc cũng khiến người dân bức xúc, đòi hỏi lãnh đạo tỉnh cần sớm vào cuộc làm rõ sự việc.
Chậm thụ lý – hành vi có chủ ý của thẩm phán Tòa án nhân dân TP. Phú Quốc?
Theo hồ sơ của vụ án, ông Nguyễn Tuấn Dũng khai, năm 2003 ông mua hơn hơn 4.000 m2 đất ở Ấp Đường Bào, Xã Dương Tơ của ông Hồ Trung Thành và vợ là bà Nguyễn Thị Chiều. Hợp đồng mua bán giữa hai bên được UBND xã Dương Tơ chứng thực ngày 24/3/2004.
Đi nước ngoài nhiều năm, đến năm 2016, ông Dũng về nước, mang hồ sơ giấy tờ gốc thửa đất ông Thành bàn giao trước đây để làm thủ tục sang tên quyền sử dụng. Bất ngờ ông nhận được câu trả lời từ Uỷ ban nhân dân huyện Phú Quốc là vào năm 2013, giấy quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Nguyễn Thị Chiều (khi đó ông Thành – chồng bà – đã qua đời).
Để tránh thửa đất biến động, ông Dũng lập tức làm thủ tục khởi kiện và được Toà án huyện Phú Quốc thụ lý số: 162/TB-TLVA năm 2017. Tuy nhiên, hàng loạt biến động vẫn xảy ra.
Sau lần biến động đầu tiên vào ngày 23/01/2017, hơn 4.000 m2 trong thửa đất tranh chấp này được bà Nguyễn Thị Chiều (người đứng tên quyền sử dụng đất) tặng cho con trai là Hồ Việt Thắng. Tiếp đó, đến năm 2018, trong khi sơ đồ trích đo hiện trạng thửa đất này vẫn được Văn phòng đăng ký đất đai thể hiện là “Đất tranh chấp”, thì thửa đất tiếp tục được chuyển nhượng cho người khác. Đến năm 2023, thửa đất này đã được tách thành 4 thửa với người sở hữu khác nhau.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao các vụ chuyển nhượng diễn ra trên thửa đất “Đang tranh chấp” lại có thể nhanh chóng như vậy, trong khi tòa đang thụ lý vụ kiện của ông Dũng?
Hơn nữa, trong suốt quá trình từ khi ông Dũng khởi kiện (từ năm 2017) đến nay, tiến trình xử lý vụ án cũng như các quyết định của thẩm phán tòa án nhân dân huyện Phú Quốc (sau này là tòa án nhân dân TP Phú Quốc) đã khiến dư luận bức xúc.
Cụ thể, năm 2017, ông Dũng gửi đơn kiện và được Toà án huyện Phú Quốc thụ lý vụ kiện số 162/TB-TLVA năm 2017.
Mãi đến ngày 12/05/2020, Toà án huyện Phú Quốc ra quyết định 28/2020./QĐ-ST-DS đình chỉ giải quyết vụ án với lý do hết thời hiệu khởi kiện.
Ông Dũng lập tức kháng cáo lên các cơ quan pháp luật cấp trên.
Đến ngày 02/7/2021, Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định phúc thẩm số 115/2021./QĐ-PT, trong đó huỷ quyết định đình chỉ vụ án số 28/2020./QĐ-ST-DS của tòa án nhân dân huyện Phú Quốc; đồng thời yêu cầu tòa án Phú Quốc tiếp tục giải quyết vụ án.
Đáng nói, quyết định phúc thẩm của tòa án tỉnh Kiên Giang có hiệu lực từ ngày 02/7/2021 (theo công văn số 115 ghi rõ), nhưng phải hơn nửa năm sau, đến ngày 21/03/2022, Toà án TP. Phú Quốc mới ra quyết định số 96/2022//TLST-DS thụ lý tiếp tục giải quyết vụ án.
Vậy điều gì xảy ra trong thời gian tòa án nhân dân TP Phú Quốc trì hoãn việc thụ lý ngay vụ án để xét xử theo yêu cầu từ tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang? Một sự việc chú ý: Vào ngày 15/3/2022, Văn phòng đăng ký đất đai (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang) đã ký giấy chứng nhận thửa đất đang tranh chấp có diện tích hơn 4.000 m2 kể trên được tách làm 4 thửa đất với các chủ sở hữu khác nhau.
Rất lạ là chỉ 6 ngày sau đó, tòa án nhân dân TP. Phú Quốc đã ra quyết định số 96/2022//TLST-DS thụ lý vụ án.
Câu hỏi được người dân địa phương đặt ra với nhiều bức xúc là: Phải chăng thẩm phán của tòa án nhân dân TP. Phú Quốc chờ đến khi bên bà Chiều hoàn thành việc tách thửa, làm xong các giấy tờ thủ tục mới đưa tiếp tục thụ lý vụ án? Mục đích là biến các hành vi sai phạm thành ‘sự đã rồi”? Ở đây liệu có sự liên kết giữa thẩm phán của tòa án nhân dân TP Phú Quốc và người có trách nhiệm ký các giấy tờ đất?
Hành vi của ông Huỳnh Quang Hưng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước?
Theo tố cáo của ông Dũng, ông Huỳnh Quang Hưng (phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc tại thời điểm năm 2013) đã cố ý làm trái các quy định pháp luật, khi cấp giấy cho bà Chiều không tuân thủ quy trình cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm xác minh hiện trường và niêm yết thông báo; không thẩm tra xác minh thực địa.
Việc này khiến ông Dũng bị thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Cụ thể, ông Dũng dẫn biên bản thẩm định phần đất tranh chấp hơn 4.000 m2 được tòa án nhân dân Phú Quốc kê năm 2018. Trong đó, định giá tổng giá thị trường (thời điểm năm 2018) với quyền sử dụng đất và cây trồng trên thửa đất này là hơn 90 tỷ đồng (chín mươi tỷ đồng).
Ngoài ra, hành vi của ông Hưng cũng bị đặt chất vấn là đã gây ra thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Cụ thể, trong cùng ngày 17/9/2013, với cùng một mảnh đất ông Hưng ký hai quyết định thu hồi, đền bù cho cả hai người là bà Chiều và ông Dũng (Quyết định số 4469/QD-UBND đối với bà Chiều và Quyết định số 4470/QD-UBND với ông Dũng).
Theo các quyết định này, bà Chiều được nhận 194.412.000 đồng tiền đền bù; ông Dũng được nhận 203.326.900 đồng tiền đền bù. Như vậy, qua chữ ký của ông Hưng, đã có tổng cộng hơn 397 triệu đồng tiền ngân sách được đền bù cho một diện tích đất thu hồi mà phần lớn trong đó đang tranh chấp. Điều này chẳng phải gây thiệt hại cho ngân sách, khi nhà nước phải trả tiền hai lần (với kinh phí đền bù gấp đôi) cho cùng một diện tích đất được thu hồi?!
Nếu vậy, sự việc này có nên làm rõ hay không; và liệu ông Huỳnh Quang Hưng có thể vô can?
Đáng tiếc là các động thái để giải quyết vụ án, làm rõ khúc mắc cho người dân hiện vẫn mịt mùng. Liệu rằng, sự im lặng của các cơ quan chức năng ở Kiên Giang còn đến bao lâu? Sự im lặng này, xem ra là lợi bất cập hại. Bởi chừng nào vụ việc còn chưa được xét xử, thì những câu hỏi như: Phải chăng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đang thờ ơ trước hành vi sai trái của cán bộ cấp dưới; những sai phạm ở Phú Quốc đang được ‘chống lưng’, sẽ được dư luận đặt ra ngày càng nhiều và gay gắt?