Quê tôi được bao bọc bởi hạ lưu dòng sông Nhuệ; vì thế, tuổi thơ của tôi gắn liền với các trò chơi dưới nước để thỏa sức vẫy vùng. 

Thuở ấy, ao chuôm cũng còn nhiều lắm. Chỗ nào cũng chứa chan nước. Ấn tượng nhất vẫn là dòng sông với làn nước trong xanh hiền hòa dưới bóng những cây si già trải bộ rễ lòa xòa xuống mặt sông. Chiều chiều mùa hạ, bóng dáng những đứa trẻ nô đùa tắm táp ven bờ, những cô thôn nữ kín đáo ngâm mình, tận hưởng cái mát lạnh của dòng nước trong lành… Đâu đó, có tiếng cành cành của ông lão đánh chài lúc xa, lúc gần… Tất cả tạo nên một phong cảnh, một âm thanh của miền quê êm ả…

Một dòng sông xưa, giờ chỉ còn trong hoài niệm…

Cứ thế, năm tháng qua đi, cuộc sống có biết bao đổi thanh… Và “dòng sông tuổi thơ” của tôi dần dà cũng trở về ký ức từ lúc nào khi sự nghèo khó dần qua đi; thay thế vào đó là cuộc sống khá giả, giàu sang và hiện đại. Ấy cũng là lúc người ta bắt dòng sông đẹp đẽ và trong sạch kia phải chết yểu, chết một cách tức tưởi theo thời gian.

Nước thải công nghiệp, nước thải dân sinh từ thượng nguồn đổ về. Nước thải từ các lò mổ gia súc hai bên bờ đổ ra; Nước thải từ các trại chăn nuôi, từ các làng nghề, từ các cánh đồng đặc xịt các loại thuốc trừ sâu… Rồi xác súc vật chết đủ loại, các bao tải đồ bỏ đi, túi nilon lớn nhỏ đủ màu sắc… Tất cả, tất cả người ta quăng bỏ ra sông, biến nó thành một bãi rác thải tổng hợp trôi nổi bồng bềnh không có ai quản lý. Màu nước quanh năm xanh đen, bốc lên một mùi xú uế khó chịu, khiến con cá không  sống nổi và người thì không dám rửa chân. Dòng sông giờ đây còn đâu bóng dáng một con người, một con đò… Còn đâu là đề tài cho những áng  thi ca có bến đợi, sông chờ, cô lái đò chở khách sang ngang để lữ khách một lần gửi lại những cảm hoài bâng khuâng vời vợi…

Còn tôi, mỗi khi đi qua chiếc cầu xi măng to rộng, lại thấy lòng láng buồn nhớ về một câu nói tưởng như vô lý mà nghĩ kỹ sao thấy nó vừa nuối tiếc, vừa chua chát, băn khoăn mà đành bất lực trước hiện thực phũ phàng: “ Bao giờ cho đến ngày xưa!?”

Vâng, chẳng ai dại gì lại mong về cái ngày xưa nghèo đói, lạc hậu… nhưng quả thực, nếu dòng sông quê tôi được trở lại như ngày xưa thì hạnh phúc biết bao.

Bạch Hạ, ngày 25/4/2016