Lên được ca nô, ông Hạt và vợ nhai ngấu nghiến miếng lương khô cứu đói của lực lượng cứu nạn. Người đàn ông có gương mặt khắc khổ, đen sạm mếu máo: “Tui trắng tay rồi, không còn chi hết nữa…”.
- Người dân Lệ Thuỷ kêu cứu
- Lũ lụt miền Trung: 102 người chết, hơn 90.000 người sơ tán
- Thức thâu đêm làm bánh chưng gửi đến người dân miền Trung
Theo phóng viên báo Tuổi Trẻ ở tâm lũ Quảng Bình, ông Nguyễn Văn Hạt (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) cùng vợ vừa trải qua 3 ngày đêm ngồi trú trên nóc nhà. Thoát ra khỏi căn nhà lũ nhấn chìm trong biển nước, ông Hạt và vợ nhai ngấu nghiến miếng lương khô cứu đói của lực lượng cứu hộ. Nhà ông Hạt ở sát bờ sông Kiến Giang, nước lũ dâng đến mái nhà kèm sóng lớn khiến các thuyền nhỏ của người dân không thể tiếp cận.
Suốt 3 ngày đêm, ông Hạt cùng vợ chỉ nhai mì gói sống cầm cự. Các con đã được đưa đi đến nhà phó chủ tịch xã trú, ông Hạt ở lại giữ nhà nhưng không ngờ lũ quá lớn và mắc kẹt lại trong căn nhà cấp 4 khiến hai vợ chồng kiệt quệ.
“Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay mới thấy lũ lớn đến như vậy, nhà cửa trôi hết rồi, còn 2 con trâu cột trong nhà nhưng giờ sống chết tui cũng không màng tới nữa” – ông Hạt nghẹn ngào.
Tương tự, ông Dương Công Mãi cũng được canô cứu hộ cứu khỏi căn nhà vừa mới sập do lũ cao kèm sóng lớn. Suốt 3 ngày qua ông Mãi dầm mình trong nước lũ neo cột tài sản, nhưng khi nhà sập ông Mãi đành phải bơi ra ngoài.
Mấy ngày lăn lộn với nước lũ, tay chân ông Mãi tím tái do lạnh và bị đồ đạc trong nhà va chạm mỗi khi sóng đánh mạnh vào nhà. “Giờ cứu được mạng là mừng rồi, nhà cửa tan hoang hết rồi tui cũng kệ” – ông Mãi nói.
Theo chân đội cứu hộ tại huyện Lệ Thủy, phóng viên Tuổi Trẻ đã chứng kiến hàng ngàn nóc nhà tại các xã dọc sông Kiến Giang đều chìm trong biển lũ cao đến 3-4m. Nhiều người dân phải dỡ mái ngói thoát ra ngoài và nhiều ngôi nhà hoàn toàn bị nước lũ nhấn chìm.
Cùng trong cơn nguy khốn chưa có cứu hộ đến, nhiều người cố gắng dùng điện thoại đăng lời cầu cứu trên mạng xã hội.
Lúc 9h30p sáng 19/10, người tài khoản Facebook Nàng Mây kêu cứu: Quốc lộ 1A – Chợ Chè – Thạch Hạ – Hồng Thuỷ – Lệ Thuỷ – Quảng Bình. Có ai đi ngang qua nhà ông Khách xem giúp giùm em Ba, anh trai và 2 cháu em hiện giờ thế nào rồi ạ. Chiều tối gọi Ba bảo nước lên ngập nửa nhà rồi, sóng đánh mạnh vỡ hết cửa và đồ đạc, phải leo lên nốc, không có cứu trợ …Cứu với mọi người ơi !
Chị Lê Nguyệt viết lời khẩn thiết lên Facebook tối 18/10: Cho đến bây giờ mà gọi cứu hộ vẫn không được, nhà còn có mẹ già con thơ nữa biết làm sao đây, khóc hết nước mắt.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ chiều 18/10, hầu hết tất cả các xã trên địa bàn H.Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đã bị ngập sâu trong biển nước.
Một số người cố gắng dùng ghe thuyền để lưu thông. Có người còn kết nhiều cây chuối thành bè làm phương tiện.
Nhằm hỗ trợ các hộ dân vùng ngập sâu, từ18/10, một số đoàn cứu trợ từ TP. Đồng Hới (Quảng Bình) cũng đã có mặt, thuê ghe chở nước, mì tôm vào những vùng còn bị cô lập ở một số xã trên địa bàn H.Lệ Thủy để tiếp tế cho người dân.
Bà Phạm Thị Tươi (ở xã Cam Thủy, H.Lệ Thủy), cho biết từ chiều 17/10, nước lũ bắt đầu đổ về, chỉ trong ít phút lũ đã “tấn công” vào nhà dân khiến nhiều người trở tay không kịp.
“Tôi sống ở đây hàng chục năm nay nhưng chưa bao giờ có một trận lụt lớn đến thế này. Có thể nói đây là trận lũ lịch sử từ trước đến nay. Thật sự rất bàng hoàng”, bà Phạm Thị Tươi bần thần nói.
“Bỏ của chạy lấy người”
Được con trai đưa đi lánh nạn ở nhà người thân vì nhà đã ngập sâu, bà Nguyễn Thị Xuân (ở xã Phong Thủy, H.Lệ Thủy) cho hay, chỉ trong một tuần người dân đã phải hứng chịu hai trận lũ liên tiếp. Lũ cũ chưa rút thì lũ mới đã tràn về.
“Lũ lên quá nhanh, nếu không “bỏ của chạy lấy người” chắc cả tính mạng cũng không dự được. Lũ về với tốc độ nhanh khiến tất cả đều rơi vào hoàn cảnh hết sức khốn đốn. Nhiều người còn lên mạng xã hội kêu cứu trong đêm”, bà Xuân chia sẻ.
Các trận lũ đến hầu như đều nhấn chìm toàn bộ nhà dân. Nhà nào có gác lửng cao thì còn nhanh chóng đưa tài sản lên tránh nạn, còn những nhà khác nước lũ lên quá nhanh chỉ đành chấp nhận bỏ mặc một số tài sản cuốn trôi.
Bà Xuân cho rằng, chưa có năm nào mà người dân khổ sở thế này. Lũ chồng lũ khiến người dân rất bàng hoàng. “Tôi sống hàng chục năm nay nhưng chưa khi nào phải liên tục dọn đồ chạy lũ như thế này”, giọng bà Xuân thảng thốt!