Trong lúc em Y. – nữ sinh lớp 10 ở An Giang tìm đến cái chết vì bị thầy cô bạo lực tinh thần vẫn nằm bệnh viện, bà Huệ – giáo viên chủ nhiệm đã đăng status với nội dung “Có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh… để vu oan…”.
- An Giang: Nữ sinh lớp 10 viết thư tuyệt mệnh để nhắc nhở thầy cô
- Bị gia đình mắng, nữ sinh lớp 10 uống thuốc diệt cỏ
Tài khoản Zalo tên “Yêu Màu Tím” được cho là của bà Huỳnh Thị Thu Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 (Trường THPT Vĩnh Xương, TX.Tân Châu) của nữ sinh Y đăng nội dung: “Có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh… để vu oan… trong một môi trường rất cao quý, chim chọn một nơi rất thanh sạch à nghen… Xin hãy trả lại sự thanh sạch cho cái chết của con chim hay sự thanh tao trong ca dao của con cò. Mong các bạn giải bài toán đố này nhé!”.
Ở phần bình luận, bà Huệ còn tự trả lời: “Tự tử chết có coi là vinh quang không con?”, “Cò bảo có xáo thì xáo nước trong có nghĩa là cho đến chết cũng phải trong sạch con à! Còn đằng này con chim chuyên nhả nước bọt kia mượn cái chết giả để vu oan giá họa cho người khác hèn uổng công xúc tép nuôi… chim”.
Theo báo Pháp luật TP. HCM, phóng viên đã đã cố gắng liên lạc để làm rõ sự việc nhưng cô giáo này tắt máy.
Dòng status của bà Huệ khiến gia đình em Y. và dư luận phẫn nộ. Trên báo Thanh Niên, độc giả ký tên Robin viết: “Đọc cái nội dung zalo được cho là của bà Huệ, GVCN tôi thực sự tức giận. Học sinh của mình chọn cái chết để thanh minh mà bà Huệ vẫn lấy chuyện đó ra làm bài toán đố, có ý mỉa mai, dè bỉu. Đề nghị kỷ luật, cho thôi việc các giáo viên vô tâm, vô cảm, kém sư phạm”.
Phía dưới, độc giả Nguyễn Cảnh Dũng viết: “GVCN đăng tin Zalo như vậy nên cho ra khỏi ngành. Trước cái chết của người HS mà cô này còn viết được những câu như vậy thì còn đâu lương tâm”.
Dưới áp lực dư luận, sau đó Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đã thông báo “chỉ đạo, xác minh làm rõ hành vi bà Huệ”. Sau đó, status của nữ giáo viên bày bị xóa bỏ.
Nhà trường sai chồng sai
Trong ngày 6/12, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày với ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương và bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng trường.
Bước đầu Sở Giáo dục An Giang thừa nhận Trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành (dạy thêm học thêm đại trà cho tất cả học sinh theo lớp chính khóa).
Cái sai thứ hai của nhà trường là “phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành giáo dục”. Lãnh đạo Trường THPT Vĩnh Xương đã nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc xảy ra. Biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả, gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh và bản thân học sinh.
‘Em từng rất hâm mộ thầy cô, nhưng giờ mọi thứ sụp đổ’
Tối 6/12, em Y ngồi trên giường bệnh, sắc mặt còn nhợt nhạt, khẳng định với phóng viên Pháp luật TP. HCM rằng, cố tình uống thuốc tự tử để giải thoát áp lực bị “bạo lực tinh thần”.
Nữ sinh lớp 10 kể, em là HS giỏi suốt chín năm liền. Lên lớp 10, ban đầu em học lớp giỏi nhưng sau đó, do em bị bệnh hen suyễn, sức khỏe yếu nên gia đình xin chuyển xuống lớp trung bình.
Vào trước thời điểm ngày 20/11, nhà trường tổ chức lớp học phụ đạo, yêu cầu HS đăng ký các môn. Vì lý do sức khỏe nên Y. chỉ đăng ký môn Anh văn trong sáu môn và có nói rõ với GVCN. Tuy nhiên, đến khi đi đóng tiền học thì cô thủ quỹ tỏ thái độ khó chịu, nói rằng phải học tất cả các môn và báo lên ban giám hiệu giải quyết.
GVCN thỉnh thoảng lên lớp nói dạng ám chỉ có một bạn trong lớp gây ảnh hưởng mất đoàn kết và cô hiệu phó hay kêu em lại hoặc vào phòng nói chuyện.
Y. đã về nhà nói với ba mẹ để lên làm việc với thầy hiệu trưởng. “Sau khi trình bày lý do, thầy yêu cầu em phải viết bản cam kết cuối năm em phải là HS giỏi, không được HS khá hay trung bình” – Y. kể lại.
Sau đó, một hôm gia đình bận việc, không có ai đưa em đi học, em phải chạy xe phân khối lớn đến trường. Cô biết chuyện, gặp và bắt em viết tự kiểm về việc chạy xe quá phân khối.
Về vấn đề ghi âm giáo viên, Y. thừa nhận mình có dùng điện thoại để ghi âm giáo viên. Bởi theo Y., nhiều lần nói chuyện với em, các cô thường lớn tiếng nhưng khi tiếp xúc với gia đình, thái độ của các cô lại thay đổi như tất cả chuyện cô làm vì thương HS. Do đó, dù đúng dù sai em đều phải xin lỗi. Vì thế, em muốn ghi âm lại về cho ba mẹ nghe để làm bằng chứng.
Đến thứ Hai, em đi khám bệnh nên nghỉ học, về nhà nghe các bạn báo tin em bị nêu tên dưới cờ với nội dung phản ánh sự việc ở trường không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, sử dụng điện thoại ghi âm giáo viên, phải học lại bài học đạo đức, phạt lao động bốn tuần (tờ thông báo kiểm điểm sau này giảm còn hai tuần – PV)”.
Trong lúc sợ hãi và buồn tủi, Y. chọn cách uống hết cả vỉ thuốc để quyên sinh. Nữ sinh này để lại bức thư, trong đó khẳng định bị giáo viên bạo lực tinh thần. “Em từng rất hâm mộ các thầy cô khi còn nhỏ nhưng giờ đây mọi thứ sụp đổ”, nữ sinh lớp 10 viết.