Hôm 15/1, Nick Út tác giả bức ảnh “Em bé Napalm” cho biết, ông bị một gã nghiện tấn công sau khi đến Nhà Trắng nhận Huân chương Nghệ thuật do Tổng thống Donald Trump trao tặng.

Theo nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ, Nick Út thông báo về vụ tấn công trên trang Facebook cá nhân chiều 15/1 (giờ Việt Nam). Cựu phóng viên chiến trường cho biết ông đang đi ăn tối với hai người bạn gần Nhà Trắng thì bất ngờ bị “một tên nghiện trẻ tuổi tấn công”.“Hắn xô tôi ngã xuống, làm bị thương xương sườn, lưng và chân trái – đúng cái chân vẫn còn mảnh kim loại đạn cối trong chiến tranh. Máy ảnh Leica của tôi cũng bị bể”, nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Ảnh chụp màn hình báo VietNamNet.

Trước đó VietNamNet có đưa tin, hôm 13/1 Nick Út đã đến Nhà Trắng để nhận Huân chương Nghệ thuật quốc gia Mỹ do đích thân Tổng thống Trump trao tặng. Giải thích về lí do tại sao mình lại nhất quyết nhận giải thưởng, ông cho hay: “Tôi già rồi nên tôi rất vui khi tổng thống trao tặng tôi phần thưởng. Tôi muốn ở đây. Với tôi, nó còn hơn cả việc nhận được sự đánh giá cao từ tổng thống”.

‘Ông ấy vẫn đang là tổng thống’

“Tôi tin tưởng rằng, trong những ngày tới, tôi sẽ nhận được rất nhiều tin nhắn về việc nhận giải thưởng. Song, tôi không quan tâm liệu mọi người tức giận hay không vì phần thưởng là dành cho cá nhân tôi và nó là do Tổng thống Mỹ trao tặng. Ông ấy vẫn đang là tổng thống”, nhiếp ảnh gia kỳ cựu nói.

Bức ảnh "Em bé Napalm" góp phần thay đổi cái nhìn của thế giới về chiến tranh Việt Nam - Ảnh: Nick Út
Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Năm 1972, khi đang là phóng viên ảnh của hãng tin AP, Nick Út đã chụp bức ảnh “Em bé Napalm”, bức ảnh ghi lại cảnh một bé gái và những người khác đang vừa chạy vừa khóc cố gắng thoát khỏi một cuộc tấn công bằng bom napalm vào ngôi làng Trảng Bàng, Tây Ninh. 

Bức ảnh “Em bé Napalm” sau đó đã trở thành một trong những biểu tượng về sự tàn khốc của chiến tranh tại Việt Nam và đã dấy lên phong trào phản chiến tại Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới, góp phần chấm dứt cuộc chiến.

Nick Út sinh ngày 29/3/1951, tên khai sinh là Huỳnh Công Út, quê quán tại tỉnh Long An. Ông bắt đầu làm phóng viên ảnh đại diện cho hãng tin AP tại Việt Nam vào những năm 1967. Anh trai của ông cũng từng là phóng viên chiến trường của AP nhưng mất sớm trong lúc tác nghiệp.