Nhóm các quốc gia giàu có nhất thế giới như Mỹ vừa ra lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đối với thị trường vàng thế giới?
CNBC đưa tin, Bộ Tài chính Mỹ hôm 28/6 thông báo rằng nước này và một số đồng minh kinh tế quan trọng sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga. Đây là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Moscow ngoài lĩnh vực năng lượng. Xuất khẩu vàng mang lại cho nền kinh tế Nga khoảng 15,5 tỷ USD vào năm 2021, theo CNN.
Các nước tham gia cùng Mỹ cấm vàng Nga bao gồm Anh Quốc, Canada, Nhật Bản. Đây là 4 quốc gia trong Nhóm G7 (Bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới). Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu chưa quyết định có tham gia cùng 4 nước trên hay không, vì họ muốn thảo luận thêm về tác động tiềm tàng của lệnh cấm.
Lệnh cấm vàng Nga có tác động thế nào?
Giới chức Mỹ, Anh cho rằng lệnh cấm này sẽ có tác động lớn đến chính quyền Vladimir Putin.
“Hoa Kỳ đã áp đặt các tổn thất chưa từng có đối với Putin để ngăn chặn ông ta kiếm tiền để tài trợ cho cuộc chiến chống lại Ukraine”, ông Biden tuyên bố trên Twitter hôm 26/6. Ông nói thêm: “Cùng nhau, G7 sẽ thông báo rằng chúng tôi sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga, một mặt hàng xuất khẩu chính mang lại hàng chục tỷ đô la cho Nga”.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố lệnh cấm sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ông Putin. “Các biện pháp mà chúng tôi đã công bố hôm nay sẽ trực tiếp đánh vào các đầu sỏ chính trị của Nga và tấn công vào trung tâm bộ máy chiến tranh của Putin”, tờ Downing Street trích dẫn phát biểu của ông Johnson hôm 26/6.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng lệnh cấm này chỉ mang tính “biểu tượng”, theo Bloomberg. Lý do là vì thị trường trong khu vực vốn đã có động thái hạn vàng Nga.
Lệnh cấm vàng Nga không tác động nhiều tới tỷ giá giá vàng so với đồng đô la Mỹ, theo các nhà kinh tế tại TD Securities.
“Lệnh cấm của G7 đối với nhập khẩu vàng mới của Nga sẽ không ảnh hưởng đến giao dịch vàng vì lệnh cấm của Thị trường Vàng Bạc London đã cắt đứt sản lượng mới của Nga từ các thị trường chính trong G7″.
Giá vàng sẽ ra sao sau lệnh cấm vàng Nga?
Cũng theo TD Securities, dù lệnh cấm không có tác động đáng kể, nhưng “giá vàng cũng đang được kéo lên cao hơn khi rủi ro suy thoái gia tăng thúc đẩy dòng vốn đổ vào vàng”.
Giá vàng tăng 0,5% lên 1.836,03 USD vào thứ Hai. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm sẽ không có tác động đáng kể đến triển vọng dài hạn của giá vàng.
Ông Jeffrey Halley, chiến lược gia thị trường cấp cao của Oanda, cho biết: “Vàng đạt mức tăng rất khiêm tốn sau khi có thông báo (về lệnh cấm vàng Nga); nhưng điều đó sẽ không thay đổi cấu trúc triển vọng định hướng đối với vàng”.
Nói về lệnh cấm vàng Nga, ông Halley nói thêm: “Trên thực tế, đây chỉ là một cuộc thực thi mang tính hình thức đối với các chính sách không chính thức đã được áp dụng”.
Mỹ và phương Tây chật vật “trừng phạt” Nga
Lệnh cấm vàng Nga được đưa ra trong khi Mỹ và các đồng minh đang loay hoay tìm cách gây áp lực với Nga để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine.
Lệnh hạn chế dầu khí Nga không bóp nghẹt nền kinh tế Nga như kỳ vọng. Ngược lại, nó đang khiến các nước phương Tây đối mặt với khủng hoảng năng lượng và lạm phát do giá dầu tăng vọt. Trong khi đó, các nước đối thủ của Mỹ như Trung Quốc thì đang hưởng lợi từ việc mua dầu giá với giá chiết khấu từ Nga.
Vì vậy, một số người hoài nghi rằng lệnh cấm vàng Nga có thể không có tác dụng trong việc gây áp lực với Nga. Ngược lại, nó có thể sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc nhập khẩu vàng giá rẻ từ Nga.