Ung thư đại tràng đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở người lớn dưới 50 tuổi. Tuy nhiên, đáng báo động là ung thư đại tràng đang gia tăng ở người trẻ tuổi kể từ những năm 1990.
Một báo cáo mới được Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ công bố đã nêu bật con số thống kê đầy hứa hẹn về tỷ lệ tử vong do ung thư đang giảm trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ đáng lo ngại và đáng báo động: ung thư đại tràng đang gia tăng ở người trẻ tuổi kể từ những năm 1990.
Theo báo cáo, căn bệnh này đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở người lớn dưới 50 tuổi. Điều này đặt ra câu hỏi: Điều gì gây ra sự gia tăng này ở nhóm dưới 50 tuổi?
Nghiên cứu cho thấy cách ăn uống thiếu chất có thể là nguyên nhân chính gây bệnh. Hiện có bằng chứng liên quan đến thực phẩm gây viêm, chẳng hạn như rượu và thịt chế biến sẵn, với bệnh ung thư đại tràng. Một nghiên cứu mới được công bố trên Tập san Cancer Research Communications (Tập san Truyền Thông Nghiên Cứu Về Ung Thư) cung cấp thêm dữ liệu nhằm làm nổi bật thêm mối liên quan giữa cách ăn uống với căn bệnh. Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung acid folic vào bữa ăn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng ở chuột.
Năm 1996, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu: bắt đầu từ năm 1998, tất cả các sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng phải được bổ sung acid folic để giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh; đây cũng là thời điểm bệnh ung thư đại tràng bắt đầu gia tăng ở những người trẻ tuổi.
Lệnh bắt buộc này có hiệu quả như mục đích đã định, nhưng liệu [chúng ta] có phải trả giá không?
Nội dung chính
Mối liên quan giữa acid folic và ung thư đại tràng
Folate và acid folic thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng có sự khác biệt đáng chú ý giữa hai loại này. Folate là vitamin B được tìm thấy tự nhiên trong một số loại thực phẩm, bao gồm trái cây, rau và các loại đậu. Trong quá trình tiêu hóa, cơ thể sẽ chuyển đổi folate thành dạng hoạt động trước khi đi vào máu.
Acid folic đơn giản là một dạng folate tổng hợp được sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng. Cơ thể bạn khó chuyển hóa acid folic dễ dàng như folate tự nhiên. Quá trình chuyển đổi acid folic thành dạng hoạt động mất nhiều thời gian hơn so với folate. Điều này dẫn đến sự tích tụ acid folic trong máu và việc ăn các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng có thể góp phần làm tăng thêm lượng acid folic đó.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Baylor đã xem xét về các yếu tố của công thức ăn uống và nguy cơ ung thư đại tràng đã phát hiện ra mối liên quan giữa acid folic và sự phát triển khối u ở ruột của chuột. Phòng thí nghiệm đã phát triển mô hình động vật đầu tiên phản ánh các giai đoạn phát triển ung thư đại tràng ở người. Sử dụng mô hình này, họ cho chuột ăn một công thức ăn bổ sung mô phỏng chương trình tăng thêm thực phẩm chứa acid folic.
Lượng acid folic được cung cấp cho chuột tương đương với mức tăng thêm theo yêu cầu của FDA trong các sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng. Các nhà nghiên cứu đã cho chuột cái ăn loại thức ăn này trước khi thụ thai, trong khi mang thai và con cái của chúng từ khi được sinh ra cho đến suốt cuộc đời. Những con chuột được cho ăn công thức ăn bổ sung acid folic có nhiều khối u hơn với kích thước lớn hơn ở cả ruột non và ruột già so với nhóm đối chứng.
Yếu tố nguy cơ cao nhất đối với ung thư đại tràng là lão hóa. Khi chúng ta già đi, một gen quan trọng ngăn chặn sự phát triển của khối u sẽ ngừng hoạt động. Nghiên cứu cho thấy sự gia tăng đáng kể sự thay đổi của gen này ở những con chuột áp dụng công thức ăn bổ sung acid folic.
Tiến sĩ Lanlan Shen, giáo sư nhi khoa và dinh dưỡng, đồng thời là tác giả của nghiên cứu, nói với Đại học Y Baylor: “Những phát hiện này làm sáng tỏ mối liên quan trực tiếp giữa folate trong công thức ăn uống và sự phát triển khối u nhanh chóng ở ruột kết.”
Bằng chứng trước đây đã gợi ý về mối liên quan giữa acid folic và ung thư đại tràng, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm. Bây giờ, bằng chứng đó ở đây.
Sản phẩm ngũ cốc bổ sung dinh dưỡng là gì?
Thực phẩm được bổ sung dinh dưỡng nhằm mục đích ngăn ngăn ngừa và khắc phục tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng. Ngũ cốc được bổ sung chất dinh dưỡng là loại ngũ cốc được bổ sung thêm vitamin B – thiamin, riboflavin và niacin. Những chất dinh dưỡng này bị mất đi trong quá trình chế biến và thường được bổ sung trở lại dưới dạng chất bổ sung dinh dưỡng. Ngũ cốc nguyên hạt có tất cả các phần của hạt còn nguyên vẹn, trong khi ngũ cốc tinh chế đã loại bỏ mầm và cám trong quá trình xay xát. Bất kỳ loại ngũ cốc nào được dán nhãn là ngũ cốc được bổ sung chất dinh dưỡng đều đã được tinh chế và đã được bổ sung các chất dinh dưỡng này trở lại theo mức do FDA quy định cần thiết để được dán nhãn thực phẩm dược bổ sung chất dinh dưỡng. Sản phẩm ngũ cốc bổ sung đã được thêm vào các chất dinh dưỡng mà có thể không có ngay từ đầu một cách tự nhiên, bao gồm acid folic và sắt.
Từ năm 1941, FDA đã quy định việc bổ sung vitamin B, sắt cho ngũ cốc. Năm 1998, FDA yêu cầu tất cả các loại ngũ cốc dinh dưỡng cũng phải được bổ sung acid folic nhằm nỗ lực ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh ở phụ nữ mang thai. Việc bổ sung vi chất cho ngũ cốc không phải là bắt buộc nhưng được khuyến khích và FDA có các tiêu chuẩn nghiêm ngặt cần đáp ứng đối với bất kỳ sản phẩm nào muốn đủ điều kiện sử dụng nhãn thực phẩm dinh dưỡng.
Mối liên quan giữa cách thức ăn uống và bệnh ung thư đại tràng
Một đánh giá của 45 phân tích tổng hợp được công bố trên Tập san JAMA vào năm 2021 cho thấy rằng việc ăn nhiều chất xơ, calcium và sữa chua cũng như hạn chế ăn thịt đỏ và rượu có thể giúp ngăn ngừa ung thư đại tràng. Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2019 trên International Journal of Epidemiology (Tập san Dịch tễ học Quốc tế) cũng kết luận rằng thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và rượu có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư đại tràng, trong khi chất xơ, đặc biệt là từ bánh mì và ngũ cốc, có liên quan đến việc giảm nguy cơ.
Năm 2018, một nghiên cứu đoàn hệ tương lai cho thấy những bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn ba áp dụng công thức ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc đã tăng tỷ lệ sống sót. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ; Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng khuyến nghị hạn chế uống rượu, hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, đồng thời tăng ăn rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng.
Thực phẩm được dán nhãn ngũ cốc nguyên hạt có thể đã được bổ sung chất dinh dưỡng
Nhãn duy nhất đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt của FDA đối với ngũ cốc nguyên hạt là “100% lúa mì nguyên hạt.” Bất cứ thứ gì được dán nhãn là “ngũ cốc nguyên hạt,” “được làm bằng lúa mì nguyên hạt” hoặc “chứa ngũ cốc nguyên hạt” đều không được FDA coi là ngũ cốc nguyên hạt. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) yêu cầu thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt phải bao gồm hơn 50% thành phần ngũ cốc nguyên hạt tính theo trọng lượng và 50% ngũ cốc còn lại trong thực phẩm phải là ngũ cốc được bổ sung dinh dưỡng hoặc các loại ngũ cốc nguyên hạt khác. Các sản phẩm được dán nhãn là lúa mì nguyên hạt 100% thường cũng chứa các loại ngũ cốc dinh dưỡng có bổ sung acid folic.
Hướng dẫn phương thức ăn uống của USDA dành cho người Mỹ giai đoạn 2020 – 2025 khuyến nghị rằng ít nhất một nửa tổng lượng ngũ cốc ăn vào của bạn là 100% ngũ cốc nguyên hạt và những người tiêu thụ ngũ cốc đã tinh chế nên chọn loại ngũ cốc được bổ sung dinh dưỡng. Hơn nữa, họ gợi ý rằng những người chỉ ăn ngũ cốc nguyên hạt cũng nên kết hợp các loại ngũ cốc đã được bổ sung acid folic vào công thức ăn uống.
Theo hướng dẫn này, người Mỹ không đáp ứng được hướng dẫn của USDA – 98% dưới giới hạn dưới lượng ngũ cốc nguyên hạt được khuyến nghị và 74% quá giới hạn trên đối với ngũ cốc tinh chế. Trong khi USDA phân biệt giữa ngũ cốc nguyên hạt 100% với ngũ cốc đã tinh chế và được bổ sung chất dinh dưỡng, đồng thời việc ghi nhãn bắt buộc phản ánh những thực tế đó, nhiều người tiêu dùng có thể không đọc danh sách thành phần để kiểm tra xem sản phẩm bao gồm những gì hoặc thậm chí hiểu được sự khác biệt.
Thực phẩm có chứa folate tự nhiên (không phải ở dạng acid folic tổng hợp) không gây nguy hiểm cho sức khỏe và cũng không có giới hạn trên cho lượng tiêu thụ hàng ngày. Nguồn folate tự nhiên bao gồm trái cây và rau quả (đặc biệt là măng tây, mầm Brussels và các loại rau lá xanh đậm như rau bina), thịt (đặc biệt là gan), các loại hạt, đậu, đậu Hà Lan, hải sản, trứng, thịt gia cầm và ngũ cốc nguyên hạt.
Khánh Nam biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times