Nam bệnh nhân (38 tuổi) trú tại Hoà An, Cao Bằng nhập viện trong tình trạng sốt cao, rét run, mệt mỏi, toàn thân nổi hạch sau khi bị chuột cắn vào mu bàn tay. 

Theo VTV, ngày 8/4 Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng có tiếp nhận một bệnh nhân bị chuột cắn vào mu bàn tay phải. Sau đó, xuất hiện sưng tấy đỏ, đau nhức tại vết cắn, vì chủ quan, bệnh nhân không đi khám, chỉ đi tiêm phòng một mũi vaccine.

Sau khi tiêm 2 tuần,  bệnh nhân thấy nổi nhiều hạch ở cánh tay, nách, cổ, sưng đau hạch. Kèm theo sốt nóng, mệt mỏi, ăn ngủ kém.

Bệnh nhân có đi khám và điều trị ở bệnh viện huyện 2 ngày không đỡ và được chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng.

Tại đây, qua kết quả thăm khám, bác sĩ nghi ngờ nam bệnh nhân mắc dịch hạch thể nhiễm trùng huyết. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nếu không được phát hiện điều trị kịp thời có thể lây lan ra cộng đồng. 

Nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ, dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu từ động vật gặm nhấm (chuột, thỏ…) sang người.

Bệnh dịch hạch có tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Dịch hạch đã từng lưu hành và là nỗi ám ảnh của nhiều quốc gia trên thế giới. Căn bệnh này được mệnh danh là “cái chết đen”, gây ra trận đại dịch khủng khiếp nhất vào thời Trung cổ tại châu Âu.

Để phòng tránh bệnh người dân nên thường xuyên vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, cất giữ lương thực cho người, gia súc kín đáo để chuột và các loài gặm nhấm không có nguồn thực phẩm và môi trường thuận lợi để sống, sinh sôi. Đeo găng tay khi xử lý động vật chết để tránh tiếp xúc da với vi khuẩn dịch hạch. Thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét, phá hủy nơi sinh sản của chuột. Khi thấy nhiều chuột chết bất thường phải báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất, không diệt chuột khi đang xảy ra dịch ở chuột và người.

Khi thấy các triệu chứng nghi dịch hạch như sốt, nổi hạch người bệnh phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám điều trị.