Một báo cáo mới đây cho biết doanh số bán vũ khí của Nga cho Đông Nam Á đã giảm mạnh vì một số lý do, trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo của Viện ISEAS (Yusof Ishak Institute), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Singapore, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga gần đây đã suy giảm nặng nề. Giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm từ 1,2 tỷ USD vào năm 2014 xuống chỉ còn 89 triệu USD vào năm 2021.
Các nhà nghiên cứu cho rằng doanh số bán vũ khí của Nga có thể sẽ còn suy giảm hơn nữa. Điều này sẽ tạo cơ hội thị trường cho Trung Quốc và các nước khác mở rộng xuất khẩu vũ khí.
Trong hai thập niên qua, Nga đứng đầu danh sách các nhà cung cấp vũ khí cho Đông Nam Á. Đặc biệt là Việt Nam, hơn 80% lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam là đến từ Nga.
Các lệnh trừng khiến doanh số bán vũ khí Nga suy giảm
Theo học giả Ian Storey, tác giả bài báo của ISEAS, lý do lớn nhất đằng sau tình trạng lao dốc của ngành vũ khí Nga là các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu mà nước này đang phải gánh chịu.
Mỹ và các nước phương Tây đã áp lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Hàng loạt lệnh trừng phạt khác xuất hiện sau khi Nga xâm lược Ukraine từ ngày 24/2/2022.
Những lệnh trừng phạt đó không nhất thiết là cản trở các quốc gia Đông Nam Á mua vũ khí của Nga. Tuy nhiên, chúng khiến các nhà sản xuất vũ khí Nga gặp khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch tài chính, tiếp cận công nghệ cũng như các cấu phần quan trọng của vũ khí.
Do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, doanh số bán vũ khí của Nga có thể sẽ giảm hơn nữa vì các nước trong khu vực sẽ tìm cách chuyển sang mua vũ khí của các nước khác.
Dữ liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cung cấp cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2021, Nga đã tụt lại phía sau Hoa Kỳ và Trung Quốc về doanh số bán vũ khí.
Nguyên nhân từ Việt Nam
Một yếu tố khác khiến doanh số vũ khí của Nga tai Đông Nam Á giảm sút là việc Việt Nam tạm dừng chương trình hiện đại hóa quân đội. Trong khi đó, Việt Nam là “khách hàng lớn nhất” của Nga ở Đông Nam Á.
Hà Nội bắt đầu chương trình hiện đại hóa quân đội từ cuối những năm 1990. Trong giai đoạn 1995-2021, Việt Nam đã mua vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 7,4 tỷ USD từ Nga. Con số này chiếm hơn 80% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam, theo BenarNews.
Bài báo của BenarNews trích dẫn ý kiến của ông Nguyễn Thế Phương, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Việt Nam đã tạm dừng chương trình hiện đại hóa quân đội vì lo ngại về khả năng thực hiện các đơn đặt hàng của Moscow; không chỉ vậy, mà còn vì mục tiêu chống tham nhũng”.
Hà Nội sẽ phải dựa vào Moscow để duy trì và vận hành kho vũ khí do Nga sản xuất; gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo, 36 máy bay Sukhoi Su-30MK2, 4 khinh hạm lớp Gepard 3.9 và 2 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động Bastion.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết Việt Nam có thể tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế từ các nước như Israel, Belarus, Mỹ và Hà Lan.
Uy tín của Nga bị sứt mẻ vì cuộc chiến tại Ukraine
Nhà nghiên cứu Storey chỉ ra rằng việc các ngân hàng Nga bị loại khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), “sẽ khiến ngành công nghiệp quốc phòng của nước này khó thực hiện các giao dịch tài chính với khách hàng ở nước ngoài hơn”.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu áp đặt lên Nga cũng sẽ hạn chế quyền tiếp cận của các nhà sản xuất Nga với các công nghệ tiên tiến quan trọng trong các linh kiện và phần cứng quân sự hiện đại mà Nga không sở hữu.
“Do đó, người mua nước ngoài có thể quyết định chuyển sang các nguồn khí tài quân sự đáng tin cậy hơn”.
Hơn nữa, những tổn thất mà lực lượng Nga phải gánh chịu ở Ukraine trong năm nay có thể đã làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Moscow như một cường quốc về thiết bị quân sự.
Trong khi đó, Trung Quốc tranh thủ tình hình để gia tăng xuất khẩu vũ khí. Theo BenarNews, “đó sẽ là một đòn giáng mạnh đối với các nhà xuất khẩu của Nga cũng như đối với Việt Nam, quốc gia có các tuyên bố chủ quyền chống lại Trung Quốc ở Biển Đông”.