Liên quan đến tiến trình tìm kiếm hòa bình, Bloomberg đưa tin, trợ lý của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Richard Grenell, người từng là đại sứ của chính quyền Donald Trump tại Đức và quyền giám đốc tình báo quốc gia, đã đề xuất thành lập các khu tự trị ở Ukraine.

Ông  Richard Grenell nói tại hội nghị bàn tròn của Bloomberg News bên lề Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa ở Milwaukee vào hôm thứ Hai rằng, “Các khu vực tự trị có thể có nhiều ý nghĩa đối với nhiều người, nhưng bạn phải xem xét những chi tiết đó”.

Theo cựu quan chức Mỹ, bằng cách này Ukraine sẽ có thể đạt được hòa bình và duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của mình ngay khi các khu vực này được tự trị.  Richard Grenell khẳng định thêm rằng, Ukraine không thể trở thành thành viên của NATO như mong muốn của ông Vladimir Zelensky .

Cựu quan chức này không nói rõ hơn, nhưng các khu vực phía đông Ukraine trước đây được coi là “tự trị” hiện do lực lượng Nga hoặc phe ly khai được Nga hậu thuẫn kiểm soát, và gần như chắc chắn sẽ vẫn như vậy.

Dường như để tránh hiểu lầm đến ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, ông Grenell đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông không thay mặt cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu và chưa nói chuyện với ông về những vấn đề này. Tuy nhiên, Grenell thường được coi là ứng cử viên cho vị trí hàng đầu nếu Trump thắng cử, có thể là ngoại trưởng, vì vậy quan điểm của ông cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách tiếp cận mà Trump có thể thực hiện và lời khuyên mà ông sẽ nhận được.

Sau phát biểu của Richard Grenell, đại diện Bộ Ngoại giao Nga đã có phản ứng. Theo RT, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ ý tưởng thành lập “khu vực tự trị” ở Ukraine do Rick Grenell đưa ra, vì cho rằng đây là ý tưởng này là quá nhỏ và quá muộn.

Nữ quan chức ngoại giao Nga viết trên telegram rằng: “Rick, ông ở đâu khi các thỏa thuận Minsk dành riêng cho vấn đề này được đưa ra bàn thảo trước cộng đồng quốc tế”. Bà Maria Zakharova cho rằng Nga đã nỗ lực hết sức để ủng hộ chúng và kêu gọi tìm ra một hình thức liên bang hóa Ukraine để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Chưa hết, nữ quan chức ngoại giao Nga nhắc lại câu chuyện quá khứ của Rick Grenell để tỏ thái độ phản đối đề xuất này: “Lúc đó, ông là đại sứ Hoa Kỳ tại Berlin và kêu gọi người Đức từ bỏ việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Nga và Đức. Bây giờ, người Đức không có khí đốt, còn người Ukraine không có đất nước và tương lai ổn định”,  Zakharova cáo buộc trợ lý của cựu tổng thống Trump.

Những phát biểu của các nhà ngoại giao Nga trong mấy ngày qua đều nhắc đến thỏa thuận Minsk và các sự kiện chính trị Ukraine vào năm 2014. Trước đó, vào hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng, đàm phán hòa bình Nga – Ukraine phải tính đến nguồn gốc của xung đột, bắt nguồn từ cuộc đảo chính năm 2014 ở Kiev do Hoa  Kỳ hậu thuẫn. Điều đó cho thấy rằng, phía Nga đang rất cảnh giác với bất kỳ lời đề nghị nào có liên quan đến một kết hoạch lặp lại kiểu như thỏa thuận Minsk. 

Về việc này, tờ RT nhắc lại thông điệp của Nga cáo buộc rằng: Nhiều khu vực ở Ukraine đã nổi dậy để phản ứng lại cuộc đảo chính do Hoa Kỳ hậu thuẫn ở Kiev vào đầu năm 2014. Trong khi lực lượng dân quân tân Quốc xã đàn áp các cuộc nổi loạn ở Kharkov và Odessa, Donetsk và Lugansk tuyên bố mình là các nước cộng hòa nhân dân và tìm cách gia nhập Nga. Hai thỏa thuận Minsk – vào tháng 8 năm 2014 và tháng 2 năm 2015 – hình dung ra quyền tự chủ cho hai nước cộng hòa Donbass trong Ukraine. Nga đã xác nhận các thỏa thuận, được Đức và Pháp làm trung gian.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2022, các cựu lãnh đạo Đức và Pháp tuyên bố rằng các thỏa thuận Minsk là một mưu đồ để câu giờ cho phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine. Vào thời điểm đó, Nga đã chấp nhận cuộc bỏ phiếu của các nước cộng hòa Donbass để gia nhập liên bang, cùng với các vùng Kherson và Zaporozhye trước đây của Ukraine. Kể từ đó, Moscow đã tuyên bố rằng tình trạng của họ là không thể thương lượng.

Phía Nga cũng tuyên bố rằng: Chính phủ Hoa Kỳ hiện tại đã xác nhận “nền tảng hòa bình” của Vladimir Zelensky, trong đó hình dung Nga sẽ từ bỏ mọi lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, đệ trình lên tòa án xét xử tội ác chiến tranh và bồi thường, cùng nhiều việc khác. Moscow đã bác bỏ kế hoạch của Zelensky là không nghiêm túc và coi ông là bất hợp pháp, vì nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky đã kết thúc vào tháng 5.

Với tuyên bố của các quan chức ngoại giao Nga những ngày qua, có thể thấy rằng, nếu các kế hoạch đề xuất hòa bình cho Ukraine không có những nội dung thật sự chi tiết và mang tính đột phá, thì nó rất khó thuyết phục được hai bên. Đặc biệt, với Nga, trước các đề xuất hòa bình đưa ra từ phía Hoa Kỳ hoặc châu Âu, thì kinh nghiệm của một lần bị qua mặt, sẽ khiến họ trở nên cực kỳ cảnh giác. Hơn nữa, việc bà Maria Zakharova phản ứng mạnh mẽ ngay sau khi cựu đại sứ Mỹ ở Đức Richard Grenell đưa ra đề xuất cho thấy câu chuyện của việc ‘chọn mặt gửi vàng’. Nếu thực sự nước Mỹ và phương Tây muốn gửi đến Nga một phương án hòa bình, thì họ nên chọn một nhân vật ‘chưa tì vết’ trong quan hệ với Nga làm sứ giả.