Chiều 6/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Vũ Thị Thuỷ (Hải Dương) về tính xác tín trên mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nói “sẽ yêu cầu định danh người dùng”.
- Học sinh lớp 6 “lý sự” ủng hộ ông Trump khiến mạng xã hội bất ngờ
- Nóng mạng xã hội: Loại bảo hiểm xe máy nào bắt buộc phải mua?
- Mạng xã hội Facebook, Google sắp phải xin giấy phép hoạt động tại Việt Nam
Báo VnExpress dẫn lời ông Hùng cho biết, trong thời gian tới, đặc biệt trong năm 2021, sẽ yêu cầu định danh người dùng.
Bộ trưởng Hùng nói rằng, tin giả ở Việt Nam chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook và YouTube.
Ông Hùng khẳng định, Bộ ông quản lý đã tạo ra được công cụ quản lý, như trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; mỗi ngày có thể xử lý khoảng 300 triệu tin để phân tích, đánh giá, phân loại tin thật – giả.
Số lượng gỡ bỏ thông tin của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017. Số video trên YouTube được gỡ bỏ trong năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017; số trang giả mạo gỡ bỏ tăng 8 lần.
Theo ông Hùng, năm 2021, Bộ tiếp tục sửa các quy định liên quan đến MXH và tin giả. “Đồng thời, Bộ ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, yêu cầu định danh người dùng MXH. Đây là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên MXH là vô danh để rồi vô trách nhiệm”, ông Hùng nói.
Đề xuất Quốc hội cho phạt Google, Facebook, YouTube… dựa trên doanh thu
Theo Thanh Niên, ông Hùng mong muốn các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Bộ Truyền thông sẽ cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán vì “hiện nay 4 công ty lớn là GAFA (Google, Amazon, Facebook và Apple) phát sinh doanh thu tại Việt Nam là hàng tỷ đô la Mỹ nhưng chưa đóng thuế”.
Ông Hùng đề nghị Quốc hội thay đổi quy định về xử phạt có tính răn đe vì hiện mới xử phạt bằng con số tuyệt đối mà chưa sử dụng mức phạt dựa trên doanh thu.
Theo ông, nếu phạt 100 triệu đồng (khoảng 5.000 đô la Mỹ) đối với cá nhân, doanh nghiệp nhỏ thì là lớn, nhưng với doanh nghiệp hàng chục tỷ đô la thì quá nhỏ.
“Tóm lại, quy trình, hành vi, vi phạm pháp luật phải rõ ràng trong văn bản pháp luật. Mức phạt phải có tính răn đe. Công cụ phát hiện tự động bằng công nghệ. Sau đó là thực thi nghiêm minh, dù là nước ngoài hay trong nước”, Bộ trưởng Hùng kết thúc câu trả lời của mình.