Mực khổng lồ dạt bờ chết chưa rõ nguyên nhân đang được các chuyên gia bảo quản tại bảo tàng Nam Phi và chờ giải phẫu.
- Trung Quốc ‘cực lực phản đối’ báo cáo mới của Anh về vấn đề Hồng Kông
- Mỹ bất thường có ‘màn trình diễn tàu sân bay tuần tra’ trên Biển Đông
- Điểm tin kinh tế: “Quỳ gối” trước Bắc Kinh, HSBC đối mặt với thử thách nhất trong 155 năm lịch sử, Công ty mẹ của hãng thời trang Zara sắp đóng 1.200 cửa hàng
Tờ Daily Star hôm nay 13/6 đưa tin Adéle Grosse cùng một số người đi biển bắt gặp mực khổng lồ nặng 200 kg và dài 4,3 m dạt vào vịnh Britannia, bờ biển Nam Phi.
Xác con vật còn nguyên vẹn, cơ thể hình trụ nón, đôi mắt lớn và xòe ra những chiếc xúc tu to dài. Miệng nó nằm ở vị trí những xúc tu nhỏ chụm lại, vốn dùng để ngấu nghiến những loài cá và mực nhỏ sống dưới biển sâu.
Bảo tàng Iziko Nam Phi nhanh chóng nhận được thông báo và đưa xác con mực khổng lồ về bảo quản. “Việc nhìn thấy nó trực tiếp thật đáng kinh ngạc, nhiều người dân quan tâm và bất ngờ khi thấy mực khổng lồ thực sự tồn tại”, phụ trách động vật biển không xương sống Wayne Florence tại bảo tàng chia sẻ.
Các chuyên gia chưa rõ nguyên nhân khiến mực khổng lồ bỏ mạng dạt bờ. Họ chỉ có thể xác định nguyên nhân cái chết khi giải phẫu con mực, dự kiến sẽ tiến hành sau khi lệnh phong tỏa do Covid-19 kết thúc. Tình trạng cơ thể của mẫu vật rất tốt nên trước mắt có thể loại bỏ khả năng bị thương do lưới, va phải chân vịt tàu hay do đấu tranh sinh tồn với động vật biển khác.
Các nhà khoa học đã đưa xác mực khổng lồ vào tủ đông lạnh, hoàn tất việc đo đạc sơ bộ và lấy mẫu mô để phân tích ADN. Một chuyên gia về mực sẽ giải phẫu nó và ghi chép lại đầy đủ thông tin. Xác mực sau đó sẽ được chụp ảnh và bảo quản bằng Ethanol để lưu trữ lâu dài. Đồng thời bảo tàng cũng đang cân nhắc trưng bày mẫu vật này trong buổi triển lãm sắp tới.
Mực khổng lồ có thể dài đến 13 mét, thường sống ở vùng đại dương sâu ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương. Nó có tám xúc tu ngắn và hai xúc tu dài với kích cỡ tối đa bằng chiều dài thân thể. Các nhà khoa học hiếm khi quan sát được mực khổng lồ. Lần đầu tiên họ chụp ảnh mực khổng lồ đang bơi vào năm 2004 và quay phim được sinh vật này vào năm 2006.