Lực lượng phòng chống dịch của phường Hoài Tân (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đã dùng xương rồng gai chặn lối đi ở nhiều vị trí.
Sự việc này bắt đầu được chia sẻ rộng rãi trên Facebook từ 26/8, nhận nhiều ý kiến trái chiều. Về phía chính quyền, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch phường Hoài Tân xác nhận sự việc với báo Thanh Niên.
Ông Hiệp cho biết, việc dùng xương rồng rào đường được triển khai sau khi một tài xế đường dài ở địa phương né chốt kiểm dịch, không khai báo y tế, lén về nhà trong đêm; sau đó tài xế này dương tính với Covid-19.
Theo ông Hiệp, các nơi rào bằng xương gai là vị trí cần đóng để phòng chống dịch, không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Việc này chủ yếu để chặn cánh lái xe đường dài, thường lợi dụng những đường mòn này để né chốt kiểm soát, lén lút về nhà trong đêm lấy đồ đạc rồi lại đi tiếp.
“Địa phương rất khó quản lý và nguồn lây từ lái xe đường dài là rất lớn. Các vị trí đó không có chốt phòng chống dịch mà chỉ là lối đi bị rào lại thôi”, ông Hiệp nói.
Vẫn theo Thanh Niên, một cán bộ phường Hoài Tân cho biết, đến ngày 28/8, có 6 lối đi ở phường được chặn bằng cách rải xương rồng gai.
Bàn về cách chống dịch trên, có nhiều ý kiến trái chiều. Người khen, cho rằng, đây là cách chống dịch “đậm chất cây nhà lá vườn”, “tiết kiệm – hiệu quả”; “độc đáo – sáng tạo”.
Người chê, cho rằng, nếu ai đó (không loại trừ chính lực lượng chống dịch) chẳng may ngã hay đạp trúng vào đám xương rồng gai này thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, hình ảnh rào chắn kiểu này cũng gây phản cảm; nếu cần thiết, có thể lập chốt kiểm soát.
Một số người bình luận hài hước:
“Nếu đói có thể lấy đem về nấu canh ăn!”
“Mong là xương rồng sẽ ngăn chặn được, chứ không thì mấy ông này dám kéo dây điện ra để chặn lắm!”
“Lại nhớ đến quả chốt chặn huyền thoại bằng 3 quan tài ở Thường Tín – Hà Nội. Cũng là sản phẩm tự làm được…”