Một tòa án Nhật Bản mới đây đã triệu tập nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo đơn kiện và yêu cầu bồi thường của một số người gốc Triều Tiên ở Nhật Bản.

Hôm 7/9, năm nguyên đơn ở Nhật Bản đã đệ đơn lên tòa án yêu cầu Triều Tiên phải bồi thường cho mỗi người 100 triệu yên (900.000 USD) vì những hành vi vi phạm nhân quyền liên quan đến “chương trình hồi hương”. Tòa án Nhật Bản đã triệu tập nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra hầu tòa vào ngày 14/10.

Ông Kenji Fukuda, luật sư đại diện các nguyên đơn, nhận định quyết định triệu tập này của thẩm phán là trường hợp hiếm hoi mà một nhà lãnh đạo nước ngoài không được hưởng quyền miễn trừ. Dù vậy, ông không nghĩ lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có mặt tại phiên tòa, theo The Guardian.

Trong thời gian từ 1959-1984, Triều Tiên đã khởi động chương trình hồi hương trên quy mô lớn nhằm bù đắp cho những người lao động thiệt mạng trong chiến tranh. Chương trình này được chính quyền mô tả là “thiên đường nhân gian” của chủ nghĩa xã hội, hứa hẹn sẽ mang đến một cuộc sống tốt hơn cho người dân, như miễn phí chi phí y tế, giáo dục, công việc và các loại phúc lợi khác.

Khoảng 93.000 người gốc Triều Tiên ở nước ngoài không biết sự thật đã trở về nước theo chương trình này với khao khát một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, họ đã phải đối mặt với chế độ nô lệ khủng khiếp.

Một trong những người đó là Bà Eiko Kawasaki, 79 tuổi. Là người Triều Tiên sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, bà đã quyết định rời Nhật vào năm 1960 khi mới 17 tuổi. Khi đó kế hoạch trên cũng thu hút rất nhiều người Triều Tiên ở Hàn Quốc trở về nước.

Vào thời điểm đó, những người Triều Tiên sống ở Nhật Bản vẫn chưa thể hòa nhập vào xã hội, vì vậy chính phủ Nhật Bản cũng hoan nghênh chương trình này và giúp họ thu xếp phương tiện quay lại Triều Tiên.

Bà Kawasaki cho hay bà đã bị Triều Tiên “giam giữ” suốt 43 năm cho tới khi đào tẩu thành công vào năm 2003, nhưng các con trưởng thành của bà vẫn phải ở lại Triều Tiên. Bà nói rằng Triều Tiên hứa hẹn sẽ miễn phí y tế, giáo dục, và nhiều lợi ích khác nhưng thực tế không một điều nào trong đó được thực hiện. Họ chủ yếu phải lao động nặng nhọc tại các khu khai khoáng, trồng rừng hay nông trại.

“Nếu chúng tôi được biết trước sự thật về Triều Tiên, chắc chắn sẽ không ai về cả”, bà nói tại buổi họp báo ngày 7/9.

Bà Kawasaki và 4 nguyên đơn khác đã đệ đơn kiện chính phủ Triều Tiên vào tháng 8/2018. Quyết định triệu tập Kim Jong-un được đưa ra sau 3 năm thảo luận trước khi xét xử.

Luật sư Fukuda cho biết ông không mong đợi lãnh đạo Triều Tiên sẽ xuất hiện hoặc bồi thường theo phán quyết của tòa án, nhưng hy vọng vụ việc có thể tạo tiền lệ cho các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Triều Tiên và Nhật Bản về trách nhiệm của Triều Tiên, cũng như bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Bà Kawasaki cho rằng chính phủ Nhật Bản cũng cần chịu trách nhiệm vì đã trợ giúp chương trình hồi hương năm đó.

Dù thời hiệu truy cứu trách nhiệm pháp lý của chính phủ Nhật Bản đã hết, bà Kawasaki hy vọng có thể thu hút sự chú ý đến hàng nghìn người đã tham gia chương trình “vẫn chờ được đưa ra khỏi Triều Tiên”.

“Chúng tôi đã phải đi một quãng đường rất dài mới đến được ngày hôm nay”, bà nói. “Cuối cùng, đã đến lúc công lý lên tiếng”.