Nhiều tờ báo Việt Nam đưa tin về câu chuyện khiến người đọc cảm thấy buồn lòng: Tại Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) – một huyện thuộc hàng nghèo nhất cả nước đang xây tượng đài với kinh phí lên đến 14 tỷ đồng.
- Phải chăng tất cả chúng ta đang nợ nông dân lời xin lỗi và lòng biết ơn chân thành?
- ‘Tôi rất mong các tập đoàn nhà nước ngừng than vãn và ngừng đi xin tiền’
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, nói với báo giới rằng tượng đài chiến thắng Khâm Đức xây dựng năm 2010 nhưng xuống cấp nên được tu sửa. Công trình khởi công từ năm 2017, dự kiến đến tháng 8 năm nay sẽ hoàn thành.
Phóng viên báo Zing đặt câu hỏi với ông Hà: “Phước Sơn là một trong những huyện nghèo nhất nước nhưng lại xây tượng đài lớn, liệu có lãng phí?” Câu trả lời nhận được là, tượng đài được xây dựng từ nguồn ngân sách tiết kiệm của huyện chứ không lấy từ nguồn ngân sách hỗ trợ từ Nghị quyết 30a của Chính phủ. Ông Hà bảo đảm rằng, nguồn vốn từ Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện dùng để hỗ trợ người đồng bào, không dùng xây tượng.
Lâu nay, Phước Sơn với 75% là người dân tộc Bhnong, là huyện nghèo có tiếng. Trong Quyết định 257 của Thủ tướng phê duyệt Phước Sơn là một trong 56 huyện nghèo nhất nước giai đoạn năm 2018 – 2020, được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 30a của Chính phủ.
Với nhiều người nghèo ở Phước Sơn, hạt gạo đủ đầy cho mỗi bữa ăn vẫn là niềm mơ ước. Làm một phép tính, nếu mỗi kg gạo loại trung bình như Khang Dân đang có mức giá khoảng 10.000 đồng/kg; thì số tiền 14 tỷ xây tượng ở Phước Sơn có thể mua được 1400 tấn gạo. Số lương thực hẳn là không nhỏ với một huyện miền núi nghèo như Phước Sơn.
Tuy nhiên, theo như lời Chủ tịch Hà nói với Zing, thì “việc tu sửa tượng đài là nguyện vọng của rất nhiều người”!?
Xoay quanh câu chuyện “tượng đài ở Phước Sơn” và những lời trần tình của lãnh đạo nơi đây đã khiến công luận đưa ra nhiều ý kiến luận bàn.
Quan điểm của quý độc giả ra sao, chúng ta hãy cùng chia sẻ!