Với Tết, thì trong ký ức những người sinh từ năm 1990 trở về trước, vui nhất là giai đoạn “tiền trạm”. Nó diễn ra từ đầu tháng Chạp, báo hiệu bằng tiếng pháo tép râm ran khắp làng trên xóm dưới. Khi ấy, Tết của đám trẻ đã đến gần lắm, rộn ràng lắm rồi.  

Sau bao ngày mong đợi, thời điểm quan trọng bậc nhất của Tết đã đến: Ngày ba mươi và tiết mục ăn đụng lợn. Từ tảng sáng, tiếng lợn éc éc đã vang khắp xóm làng. Rồi tiếng í ới gọi nhau lẫn trong tiếng bước chân, tiếng loảng xoảng của thau chậu đoàn người đi lấy phần đụng lợn. Chẳng phải gia đình nào cũng ngả lợn, nhưng một ngõ xóm, cũng phải có mấy nhà.

Đám đụng lợn đúng là một ngày hội nhỏ. Mười mấy, hai mươi người tập trung vào cái sân gia chủ, nơi chú lợn đã ngửa bụng bên nồi đại nước sôi nghi ngút. Đám trẻ con chạy lăng xăng, nhòm nhòm ngó ngó; các bà các mẹ rôm rả đủ chuyện dưới bếp, thi thoảng phá lên một tràng cười như phụ cùng với trung tâm của sân khấu chính. Nơi ấy, những người đàn ông nhỏ bé mà rắn rỏi đang pha từng mảng thịt và chia vào từng rá. Những ông chủ gia đình ngày thường cổ cày vai bừa, bữa nay cũng sông sênh, rộng rãi ăn to nói lớn như ông chủ.

Chia phần đụng lợn ngày cuối năm (ảnh: tingiaitri.org)

Khi nắng lên xua đủ hết giá sương, cũng là lúc Tết tản về đến từng ngách nhà. Những người đàn ông mặt đã ửng hồng men rượu, sau khi pha xong phản thịt, hào sảng chào nhau rồi cùng vợ trở về với những rổ, rá nặng chĩu. Đám trẻ con lăng xăng đi trước, đứa nào may mắn được cho cái bóng bóng lợn về làm quả bóng đá thì chạy vù một mạch. Lác đác trong làng, tiếng pháo tép, có khi cả tiếng pháo đùng rộn rã. Khói bếp nhà nhà cùng vươn lên. Chẳng ai bảo ai, mảnh sân gạch nhà nào cũng giống nhau một màu xanh của lá bánh, vàng tươi đỗ xanh và trắng hồng thịt lợn. Những mẹ, những chị lại tíu tít bên chiếu bánh chưng thiêng liêng màu Tết.

Tết xưa đầm ấm yên bình (ảnh minh họa; nguồn báo Pháp luật VN).

Chợ chiều ba mươi, lạ – quen sao mà nôn nao khó tả. Không riêng quê tôi, nhiều nơi chỉ có duy nhất một ngày trong năm, chợ họp đến chiều. Tất tả người mua kẻ bán. Người thiếu bó lạt, chục lá rong, người mua thêm khoanh giò, miếng thịt…  Cả một năm dè xẻn, bữa nay hào phóng chứ. Thảnh thơi hơn, thì ông dắt cháu đứng trước cửa hiệu hoa nhựa, tranh Tàu. Lại có những người đi làm ăn xa lâu mới về, kịp ra buổi chợ quê cuối năm ấy, chẳng mua gì, chỉ cốt tìm lại hình bóng của người xưa một thuở.

Tối ba mươi, mâm cơm cúng gia tiên thơm hương trầm mặc. Mẹ tất bật bao ngày tháng, hôm nay buổi cuối năm, Người thay bộ đồ mới, chắp tay thành kính. Dưới bếp, nồi bánh chưng hồng lửa. Thời khắc này, bên ngoài đất trời như tĩnh lại. Lòng người cũng chậm lại để dành kiểm đếm, nhắc nhớ những việc mình đã làm được hay chưa trước thềm năm mới.

Mâm cơm Tết xưa
Mâm cơm Tết xưa (ảnh: facebook.com/toiyeudongha).

Bỗng đì đùng, rồi đùng đùng. Pháo nổ ròn tan khắp làng trên, xóm dưới. Giao thừa sắp đến. Giao thừa đến rồi. Bố cầm bánh pháo, Người treo lên cành hồng phía trước sân, châm lửa. Bố gọi mẹ và cả nhà ra sân đón giao thừa. Người công kênh thằng bé út trên vai, để nó nhìn cao hơn, rõ hơn đất trời đêm ba mươi. Từng chùm pháo nổ bung trên bầu trời xanh đêm, như những vì sao trong thời khắc giao hòa diệu vợi.

Bao nhiêu năm ấy, bao nhiêu mùa xuân đã qua đi. Ba mươi Tết năm xưa giờ đã thành hoài niệm, nhưng với bao người thì nó thật trân quý. Bởi lẽ, trong cuộc đời này có biết bao điều không mong muốn những vẫn xảy ra, bao người vì bệnh dịch mà không được đón cái Tết đoàn viên với gia đình. Vậy nên, hãy trân quý những kỷ niệm êm đềm của mỗi ngày đã qua và lạc quan sống lương thiện, chân thành với những giây phút hiện tại.