Truyền thông dòng chính phương Tây trong những tuần gần đây đã đề cập nhiều về triển vọng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Có vẻ như chính quyền Biden đã chấm dứt chuỗi ngày căng thẳng không liên lạc với Nga, khi Cố vấn Nhà Trắng và Giám đốc tình báo CIA đã có cuộc điện đàm cũng như gặp mặt với người đồng cấp Nga. 

Về bề mặt, tiến trình thúc đẩy hòa đàm có vẻ đang nóng lên nhưng trên thực tế thì vẫn cực kỳ lạnh giá. Hai bên không có thương lượng, điều đó có nghĩa là cả Mỹ và Nga không có cơ sở để thảo luận. 

Trở ngại lớn nhất đối với việc sớm chấm dứt chiến sự là NATO không thể bị mất mặt, bởi Mỹ và NATO biết rằng vai trò của NATO đang bị đe dọa và như Tổng thư ký khối này đã từng tuyên bố họ không thể chịu thua trước Nga. 

NATO từng đặt hy vọng vào việc Nga rời khỏi Ukraine như một thành công của khối liên minh quân sự này, bởi trước đó Nga tuyên bố không có ý định chiếm đóng toàn bộ đất nước. Tuy nhiên chính các cuộc lật kèo đàm phán với Nga của Tổng thống Zelensky đã đẩy Ukraine mất dần lãnh thổ vào tay Nga, mà việc sáp nhập 4 khu vực hồi tháng 10 là một ví dụ. 

Mỹ và NATO cũng ngầm hiểu rằng, Nga đang phá hủy Ukraine bằng cách tấn công mạng lưới năng lượng của nước này.

Bất chấp người đứng đầu Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân tướng Mark Milley tiết lộ với tờ New York Times rằng, “Ukraine nên đàm phán khi có cơ hội”, thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 19/11 đã tỏ ra cực kỳ cứng rắn trong bài phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax. 

Trong đó tướng Lloyd Austin khẳng định rằng,việc đánh bại Nga là chìa khóa đối với an ninh của Mỹ và thế giới khi ông tuyên bố: 

“Kết quả của cuộc chiến ở Ukraine sẽ giúp xác định tiến trình an ninh toàn cầu trong thế kỷ mới này. Và những người trong chúng ta ở Bắc Mỹ không có lựa chọn ngồi ngoài vòng này”.

“Sự ổn định và thịnh vượng ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang bị đe dọa. Quý vị biết đấy, mối quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với Liên minh Châu Âu là lớn nhất trên thế giới. Vì vậy, khi một kẻ xâm lược tạo ra một cuộc khủng hoảng an ninh lớn ở châu Âu, thì người Mỹ và Canada thường ngày sẽ bị như vậy.”

Thêm nữa, cũng tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax, Tổng thống   Zelensky đã bác bỏ khả năng đàm phán với Nga. 

Tờ Politico viết như sau: “Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói rằng Nga đang tìm kiếm một “thỏa thuận ngừng bắn” với Ukraine – một đề xuất mà ông đã từ chối quyết liệt – bởi vì nó chỉ đơn giản là cho phép các lực lượng của Moscow tập hợp lại.

Những bình luận của ông… cho thấy nhà lãnh đạo này không muốn tạm dừng giao tranh và không quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình sơ bộ”.

Vậy tại sao truyền thông phương Tây trong gần 10 ngày qua lại ồn ào nhắc về triển vọng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine?

Lý do Mỹ vừa muốn hòa đàm vừa tỏ ra cứng rắn với Nga

Các diễn biến cho thấy có thể có một số lý do như sau: 

Thứ nhất: Chính quyền Biden cũng không còn đạt được lợi thế nhiều khi mất Hạ viện vào tay đảng Cộng hòa. 

Một vết nứt quan trọng khác trong đường lối của đảng Dân chủ đã được hé lộ trên tờ New York Times, để ‘giải thích lý do tại sao phía Nga không cạn tên lửa, như tình báo Anh và Mỹ đã nhiều lần tuyên bố điều ngược lại trong suốt vài tháng qua. Thú vị là cuối bài báo, tờ New York Times thừa nhận không ai thực sự biết Nga có bao nhiêu tên lửa. 

Thứ hai, việc truyền thông đưa tin về triển vọng đàm phán giữa các bên trong cuộc xung đột cũng có thể là một sự thừa nhận rằng, sự ổn định ở châu Âu đang bắt đầu rạn nứt do chi phí năng lượng leo thang. Điều này đã được chính tờ Financial Times hôm 21/11 thừa nhận khi mô tả về các cuộc biểu tình ở Đức đã tập hợp được tất cả mọi tầng lớp tham gia. 

Tờ này viết như sau: 

“Nếu không có các biểu ngữ, đó có thể là một đám đông tụ tập để mở cửa sớm chợ Giáng sinh ở Leipzig.

“Đức đang phục vụ như một con rối dành riêng cho lợi ích của Mỹ và của NATO”…. Một số mang theo biểu ngữ ủng hộ phe cánh tả của Đức, một số cờ hòa bình và một số biển báo tự chế vẽ những điểm tương đồng phức tạp giữa cuộc chiến kéo dài 9 tháng ở Ukraine…Khi những luận điệu chống Mỹ tăng cao, đám đông vỗ tay, chế giễu và huýt sáo.

“Chính sách cấm vận chống lại Nga đã thất bại hoàn toàn và đang hướng đến chính chúng ta một cách thảm khốc,”… cuộc chiến ở Ukraine là “thiên đường” cho “những kẻ hiếu chiến, các công ty vũ khí và những kẻ trục lợi”. 

Financial Times đã mượn lời một người biểu tình để kết luận bài viết như sau: “Chúng tôi có một thông điệp rõ ràng cho [chính phủ Đức], rằng… Ở Đức, sự bất an và sợ hãi đang tràn lan. . . Ukraine đang bị hy sinh trên bàn thờ của lợi ích Mỹ. . . và chúng tôi đang đứng lên.” 

Lý do thứ ba là lần đầu tiên đã có những lời chỉ trích công khai một cách đáng ngạc nhiên nhằm vào Tổng thống Zelensky trong sự cố tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan.  

Bất kể sự cố này là một tai nạn hay do chính quyền Kiev thiết kế, thì việc Tổng thống Zelensky tỏ ra quá háo hức để lôi kéo Mỹ, NATO và Nga vào một cuộc đối đầu trực tiếp là điều không nên. 

Ngay truyền thông dòng chính như tờ Financial Times cũng không ngần ngại chỉ trích như sau: “Đáp lại những bình luận của Zelensky, một nhà ngoại giao từ một quốc gia NATO ở Kiev nói với Financial Times: “Điều này thật nực cười. Người Ukraine đang phá hủy niềm tin [của chúng ta] vào họ. Không ai đổ lỗi cho Ukraine và họ đang nói dối một cách công khai. Thứ này có sức tàn phá lớn hơn cả tên lửa.”

Nói cách khác, sự nhất trí ủng hộ và hỗ trợ hết mình của các đồng minh phương Tây dành cho Ukraine dường như có vẻ xói mòn theo thời gian. 

Tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài để Mỹ và đồng minh sẵn sàng xoay chuyển tình thế của Ukraine, bởi một lẽ Mỹ, NATO và EU đã đầu tư một lượng lớn tài chính và vũ khí khổng lồ vào Ukraine, cùng cái giá phải trả quá đau đớn khi các quốc gia châu Âu đang phải oằn mình hứng chịu tác động ngược của các biện pháp trừng phạt chống Nga của chính phương Tây. 

Vì vậy, phương Tây vẫn phải tiếp tục buộc Tổng thống Zelensky tiếp tục duy trì thái độ cứng rắn trước Nga.

Việc Tổng thống Zelensky có vẻ không khoan nhượng trong việc đàm phán đã gây ra những nhận xét khó chịu từ Nga. Điều đó cho thấy rằng chính quyền Kiev vẫn đang hành động theo lệnh của phương Tây, trong đó Tổng thống Zelensky được cho là giả vờ sẵn sàng đàm phán như tờ Washington Post hôm 17/11 tiết lộ. 

Tờ này viết như sau: 

“Dường như có sự hạn chế hoặc không sẵn sàng nhượng bộ từ cả hai bên, với việc Moscow khẳng định rằng lãnh thổ Ukraine mà nước này sáp nhập bất hợp pháp sẽ mãi mãi là đất của Nga. Trong khi đó, Ukraine đang yêu cầu Nga rút toàn bộ khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Crimea, nơi Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.

“Việc khôi phục chủ quyền lãnh thổ là một phần trong kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm mà ông Zelensky đã trình bày trước các nhà lãnh đạo G20 trong tuần này. Kế hoạch cũng kêu gọi Nga trả tiền bồi thường.

“Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm thứ Năm đã cáo buộc Kiev đặt ra các điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán, điều mà ông cho rằng chứng tỏ Ukraine không quan tâm đến việc đàm phán.”

Ngoài ra, các kênh truyền thông dòng chính tiếp tục tuyên bố rằng, Nga đang trên bờ thất bại. Chẳng hạn như tờ Washington Post hôm 17/11 có đoạn sau:

“Với lực lượng bộ binh bị tàn phá và mất lãnh thổ, Nga đã phải dùng đến các cuộc ném bom tầm xa, trong khi nước này phải vật lộn để huấn luyện và trang bị cho hàng chục nghìn lính nghĩa vụ mới, nhiều người trong số họ có thể không muốn chiến đấu trong cuộc chiến thất bại của Tổng thống Nga Vladimir Putin”. 

Tương tự, việc Thủ tướng Anh bất ngờ đến thủ đô Kiev kèm theo một gói hỗ trợ khác có vẻ ít hơn nhiều, chỉ khoảng 50 triệu bảng Anh, cho thấy giới chức Anh tránh gây ồn ào như cựu Thủ tướng Boris Johnson trước đó. 

Vì vậy các nhà quan sát nhận định rằng, đó là dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Sunak đang âm thầm gây sức ép với ông Zelensky. Anh được cho là quốc gia ủng hộ Ukraine quyết liệt nhất và thủ tướng Sunak tỏ ra là khôn ngoan trước truyền thông, khi hạn chế chi tiêu nhiều hơn cho Ukraine trong bối cảnh các hộ gia đình ở Anh đang bị tổn hại bởi chi phí hóa đơn điện và giá năng lượng tăng cao. 

Có điều là, bất kể Mỹ, NATO, EU toan tính như thế nào, thì có khả năng phía Nga vẫn sẽ tiếp tục các cuộc oanh kích nhằm loại bỏ hoàn toàn mạng lưới điện của Ukraine. 

Điều này đồng nghĩa đến một thời điểm nhất định vào mùa đông, sẽ có một lượng lớn người Ukraine buộc phải rời bỏ các thành phố lớn để tới các nơi khác ở châu Âu sinh sống, mà điểm đến đầu tiên chính là Ba Lan.

Làm thế nào châu Âu có thể xử lý dòng người nhập cư khổng lồ trong bối cảnh khối liên minh này còn đang đối mặt với lạm phát và cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong lịch sử EU.

Có thể bạn quan tâm: