Trong lúc thăm quan biển Phú Quốc, hai lính thủy quân lục chiến của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã dũng cảm cứu người khi phát hiện một chiếc thuyền bị lật. Một trong hai người đã thực hiện hô hấp nhân tạo bé trai 10 tuổi bị đuối nước.

Sự việc trên xảy ra hồi đầu tháng 1 năm nay nhưng mới được Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM chia sẻ trên trang Facebook chính thức hôm 8/6. Theo đó, hai lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia cứu người là trung sĩ Justin Searcy và trung sĩ De Freitas.

“Hai lính thủy đánh bộ tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã có hành động anh hùng khi tham gia cứu một số người dân Việt Nam”, Tổng Lãnh sự quán Mỹ viết trên Facebook.

Tờ Marine Corps Times dẫn lời kể lại của trung sĩ De Freitas cho biết, đó là một buổi chiều bình thường trên biển Phú Quốc, anh và Searcy đang tham quan thì phát hiện một chiếc thuyền gần đó dường như bị cuốn vào xoáy nước, xoay tròn và chìm dần.

Cả hai vội giục người lái thuyền đến gần chỗ những người gặp nạn và kéo họ lên thuyền của mình. Sau khi kiểm tra lại số khách, họ phát hiện một bé trai vẫn còn mất tích.

Trung sĩ Searcy vội nhảy xuống nước phụ tìm kiếm đứa trẻ, trong khi trung sĩ De Freitas lên mũi tàu quan sát xung quanh, tìm kiếm dấu vết cậu bé mất tích.

Sau vài phút, cậu bé được một người dân Việt Nam tìm thấy và đưa lên thuyền. Trung sĩ De Freitas nhanh chóng chạy đến thực hiện hô hấp nhân tạo, nhưng sau khoảng 10 phút, anh bắt đầu kiệt sức và mất dần hy vọng. Lúc đó, tiếng khóc của người mẹ khiến anh bừng tỉnh và tiếp tục cho đến khi xe cứu thương đến.

“Tôi cần giữ cho đứa trẻ này được sống”, De Freitas kể với Marine Corps Times. Cuối cùng, mạch của cậu bé xuất hiện trở lại nhưng yếu ớt. Nạn nhân sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu và may mắn sống sót.

“Đó có lẽ là cảm giác tuyệt vời nhất mà tôi từng có”, anh De Freitas kể lại cảm xúc của mình khi hay tin em bé mà anh cứu vẫn còn sống.

Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã ca ngợi hai trung sĩ, nói rằng đây là một hành động “anh hùng”.  Cơ quan đại diện lãnh sự Mỹ viết đầy tự hào: “Một lần là thủy quân lục chiến thì mãi mãi là thủy quân lục chiến”.