Tờ Global Times, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đăng bài bình luận hôm 19/8 rằng Trung Quốc mới là “kẻ chiến thắng thực sự” trong chính sách đối ngoại thảm họa đang diễn ra tại Afghanistan sau khi nhóm khủng bố Taliban giành quyền kiểm soát đất nước hôm 15/8.
- Taliban ca ngợi vai trò của Trung Quốc tại Afghanistan
- Tổng thống Biden kêu gọi Taliban cung cấp ‘phúc lợi’ cho người dân Afghanistan
Thứ trưởng Ngoại giao của Bộ phát triển kinh tế Ý, ông Michele Geraci viết trong bài xã luận đăng trên tờ Global Times hôm 19/8 rằng “người chiến thắng thực sự trong thảm họa này là Trung Quốc”, theo Breibart.
Ông Geraci được coi là chuyên gia về kinh tế Trung Quốc và cũng là người phụ trách chuyên mục của trang tin tài chính Caixin tại Bắc Kinh. Ông nhận định phương Tây đã “phản bội” công dân Afghanistan khi để nước này rơi vào tay Taliban sau gần 20 năm hỗ trợ về mọi mặt.
Mỹ tiến vào Afghanistan năm 2001, hất cẳng Taliban khỏi chính phủ nước này và thay thế bằng một chính quyền do Mỹ hậu thuẫn. Cuộc chiến tại Afghanistan, với mục đích ban đầu để đối phó cuộc tấn công khủng bố của các phần tử thánh chiến trên đất Mỹ vào tháng 9/2001, đã kết thúc vào ngày 15/8 khi Taliban chiếm được Kabul và lật đổ chính phủ do Mỹ hậu thuẫn.
Hầu hết các nhà quan sát đều dự đoán Taliban cuối cùng sẽ xâm lược Kabul sau khi Mỹ và các đồng minh NATO rút hoàn toàn quân khỏi nước này vào ngày 31/8. Thay vào đó, nhóm khủng bố này đã cướp phá thành công Kabul trong vòng chưa đầy 10 ngày trước khi cuộc rút quân của phương Tây hoàn tất.
“Trong vài giờ, phương Tây không chỉ mất Afghanistan, quốc gia mà họ chưa từng sở hữu, mà còn vứt bỏ đi nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhiều thế kỷ vị thế đạo đức, bảo vệ quyền của người yếu thế, quyền con người, quyền phụ nữ, một nước ủng hộ dân chủ”, ông Geraci tuyên bố.
Vị chuyên gia cáo buộc rằng: “Tuy nhiên, sự phản bội của phương Tây đối với các công dân Afghanistan, những người sẽ phải trả giá cho những lựa chọn chính trị của phương Tây, trên thực tế, đã phá hủy bức tường thành đạo đức cuối cùng mà phương Tây khoe khoang: đó là những người bảo vệ công lý quốc tế và người bảo vệ những người bị áp bức trên thế giới”.
Trung Quốc có chung đường biên giới dài gần 96km với Afghanistan và đã theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh đang xấu đi trong những tháng gần đây khi Taliban tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm giành lại quyền kiểm soát đất nước.
Ngày 16/8, Bắc Kinh bày tỏ hy vọng thiết lập mối quan hệ kinh tế với Taliban khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị tài trợ cho các dự án “tái thiết” và “phát triển” cơ sở hạ tầng ở nước này trong tương lai.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng: “Taliban đã nhiều lần bày tỏ hy vọng phát triển quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và họ mong muốn Trung Quốc tham gia vào quá trình tái thiết và phát triển Afghanistan”.
“Chúng tôi hoan nghênh điều này. Trung Quốc tôn trọng quyền của người dân Afghanistan được tự quyết định vận mệnh của mình và sẵn sàng tiếp tục phát triển… các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với Afghanistan”, bà cho biết thêm.
Bà Hoa Xuân Oánh đề xuất sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, vốn coi việc Bắc Kinh tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các quốc gia đang phát triển như một phương tiện để mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình trên toàn thế giới.
Ngày 19/8, Taliban hoan nghênh đề nghị của Bắc Kinh giúp “tái thiết” Afghanistan trong các tuyên bố trước truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen nói với kênh CGTN hôm 19/8 rằng: “Trung Quốc là một quốc gia lớn với nền kinh tế và năng lực khổng lồ. Tôi nghĩ họ có thể đóng một vai trò rất lớn trong việc tái thiết, phục hồi và tái thiết Afghanistan”.